Nghề của chúng ta

NDO -

Trong cuộc sống, mọi nghề nghiệp chân chính đều bình đẳng như nhau. Giống như trong một cơ thể, không có bộ phận nào quan trọng hơn bộ phận nào. Nhưng đấy là nói về mặt nguyên tắc, còn trên thực tế, người ta có xu hướng chọn cho mình những vùng an toàn, nên số đông thường tìm đến những nghề nghiệp có tính ổn định cao về công việc và thu nhập, không phải quá lao tâm khổ tứ mà vẫn mang lại cuộc sống thoải mái. Vì vậy trong xã hội mới phân chia ra nghề này “hot”, nghề kia không; rồi căn cứ vào mỗi thiên chức nghề nghiệp mà xã hội tôn vinh theo những cách khác nhau.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: TRẦN GIANG
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: TRẦN GIANG

Ở nước ta những năm gần đây, hiếm thấy nghề nghiệp nào được xã hội quan tâm, săn sóc như nghề báo. Cứ đến dịp 21-6 - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, các tòa soạn, các cơ quan báo chí được phủ kín bằng những lẵng hoa tươi. Điện thoại của các nhà báo liên tục nhận được tin nhắn với những lời chúc tốt đẹp nhất. Thẳng thắn mà nói, trong những lời chúc đó có sự ghi nhận, tôn vinh thực sự, có lòng biết ơn chân thành, nhưng cũng có không ít sự e dè, “ngoại giao”, “phải phép”. Bên cạnh niềm vui và tự hào về nghề báo, thì điều đó rất đáng để suy ngẫm.

Trong thời đại thông tin, các cơ quan báo chí truyền thông và các nhà báo có vai trò thật đặc biệt. Họ là những người tiếp cận với tin vui đầu tiên và tin buồn đầu tiên; nhận được tin tốt nhanh nhất và tin xấu cũng sớm nhất. Với thiên chức và kỹ năng nghề nghiệp của mình, nhà báo làm công việc người truyền tin đến công chúng và nhận về niềm tin từ người đọc. Đã có thời, có lúc, niềm tin ấy là vô điều kiện.

Vậy mà, theo những nghiên cứu gần đây, niềm tin của độc giả dành cho báo chí đang sụt giảm nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, bên cạnh những thông tin hữu ích thì tình trạng tin, bài “đặt hàng”, thiếu khách quan, thiên vị, không kiểm chứng trở nên phổ biến trên khá nhiều tờ báo. Chưa kể cách giật tít, câu view thô thiển, bất chấp những chuẩn mực ngôn ngữ hay thuần phong mỹ tục, đưa những chuyện giật gân soi mói đời tư, gây sốc, xúc phạm nhân phẩm nạn nhân và làm tổn thương chính người đọc.

Đáng lo ngại là những thông tin giả, ác ý, “bắt nạt”, thậm chí “triệt hạ” cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng bắt đầu xuất hiện trên một số tờ báo chính thống. Bên cạnh đó, báo chí chính thống đang dần bị lép vế trước sự lấn sân quyết liệt của các mạng xã hội, “bỏ mặc” người đọc bơ vơ, bối rối giữa biển thông tin được cho rằng 80-90% là vô bổ, xấu, độc từ các nền tảng này lan truyền qua mạng internet.

Chính vì vậy, trong ngày vui của mình, những người làm báo nên thẳng thắn nhìn lại bản thân trong bối cảnh thách thức mang tính thời đại. Để củng cố và giành lại niềm tin của độc giả thì giữ vững đạo đức nghề nghiệp, giữ cho “lòng trong” phải là đầu tiên và trên hết. Chỉ có “lòng trong”, người làm báo mới có sự tỉnh táo, công tâm mang những giá trị cốt lõi của nghề báo.

Với sự phát triển vũ bão của khoa học, công nghệ hiện nay, nếu người làm báo đứng bên lề thì sẽ bị dòng thác thông tin nhấn chìm. Vì vậy, người làm báo không được chủ quan, thỏa mãn với cái sẵn có mà phải luôn đau đáu tinh thần đổi mới, sáng tạo, nắm vững và làm chủ công nghệ, khi ấy công nghệ sẽ phục vụ lại sự sáng tạo của nhà báo trong thời đại số hóa. Đây cũng  chính là cách rèn luyện cho “bút sắc” thêm sắc hơn bên cạnh sự trau dồi nghiệp vụ.

Và cuối cùng, người làm báo đừng bao giờ quên đôi “mắt sáng” mà xã hội đã trao cho họ, hay nói một cách khác, đó là trách nhiệm xã hội của nhà báo. Đó là trách nhiệm mang đến công chúng thiên lương để đẩy lùi xấu xa, ánh sáng để xua tan bóng tối, sự thật để chiến thắng giả dối. Và khi đó, như một lẽ tự nhiên, chúng ta, những người làm báo có quyền thanh thản tự hào về nghề nghiệp của mình, cũng như sự tôn vinh thiên chức cao quý của người làm báo.