Nghệ An xây dựng, phát triển y tế kỹ thuật cao

Sau 5 năm thực hiện Đề án "Xây dựng, phát triển y tế kỹ thuật cao để thành phố Vinh trở thành trung tâm y tế khu vực Bắc Trung Bộ giai đoạn 2015 - 2020" của UBND tỉnh Nghệ An, nhiều bệnh viện (BV) ở Nghệ An đã phát triển theo hướng chuyên sâu. Các kỹ thuật cao được ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay tại cơ sở, giảm tải cho BV tuyến trên.

Ghép thận cho người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Ảnh: TỪ THÀNH
Ghép thận cho người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Ảnh: TỪ THÀNH

Đơn vị tiên phong

Ông N.Đ.L (65 tuổi) ở xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc được đưa đến cấp cứu tại BV Hữu nghị đa khoa (HNĐK) Nghệ An trong tình trạng lú lẫn, liệt nửa người… Ông được chẩn đoán tắc động mạch thân nền sau khi chụp cắt lớp, dùng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch. Thông qua can thiệp lấy huyết khối động mạch não, tái thông hoàn toàn động mạch thân nền, bệnh nhân tiếp tục được đặt stent động mạch đốt sống trái. Ông được xuất viện chỉ sau bốn ngày điều trị.

Ông L. là một trong hàng trăm người bệnh bị đột quỵ được Trung tâm Đột quỵ (BVHNĐK Nghệ An) kịp thời cứu chữa trong thời gian qua.

Do nhu cầu điều trị đột quỵ tăng nhanh, đầu năm 2019, Trung tâm Đột quỵ được thành lập trên cơ sở tách từ Khoa Thần kinh. Mỗi năm, Trung tâm điều trị khoảng 4.000 lượt người bệnh. Các kỹ thuật chuyên sâu của chuyên ngành đột quỵ được thực hiện tại tuyến T.Ư như khai thông huyết khối động mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học, nút túi phình mạch máu não, nút dị dạng động - tĩnh mạch não, đặt stent động mạch não... đã được thực hiện thường quy tại Trung tâm, góp phần giảm tỷ lệ chết và giảm tàn phế cho nhiều người bệnh. Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm đột quỵ cho biết: Mặc dù mới thành lập, nhưng Trung tâm đã đạt ba Giải thưởng vàng và một Giải thưởng bạch kim trong điều trị đột quỵ do Tổ chức đột quỵ thế giới trao tặng vì đạt các tiêu chí khắt khe trong quản lý đột quỵ.

Xác định là đơn vị mũi nhọn trong điều trị, Trung tâm Tim mạch (BVHNĐK Nghệ An) được thành lập từ Khoa Tim mạch. BV ưu tiên đầu tư hệ thống chụp mạch DSA, máy siêu âm tim, máy sốc tim..., đồng thời tuyển chọn, gửi đi đào tạo đồng bộ các kíp bác sĩ, kỹ thuật viên tại các BV tim mạch quốc gia và tim mạch Hà Nội, chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở. TS Phạm Hồng Phương, Phó Giám đốc BVHNĐK Nghệ An, Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết: Đến nay, đội ngũ nhân lực của Trung tâm đã có nhiều năm kinh nghiệm làm chủ kỹ thuật can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật mạch máu... Hằng năm, Trung tâm can thiệp hơn 2.000 ca, như: Can thiệp mạch vành, điều trị tim bẩm sinh qua đường ống thông, cấy máy tạo nhịp tim, điều trị các rối loạn nhịp tim bằng năng lượng sóng ra-đi-ô; can thiệp điều trị các bệnh lý động mạch ngoại vi; phẫu thuật thay van tim, thay đoạn động mạch chủ, nối mạch máu... Trung tâm đã cứu sống nhiều người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp, hay bị ngừng tuần hoàn, hạn chế việc chuyển tuyến. Những kết quả đó đã góp phần khẳng định thương hiệu của BVHNĐK Nghệ An, là "anh cả" của ngành y tế Nghệ An và tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ. PGS,TS Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BVHNĐK Nghệ An cho biết: Thời gian qua, BV triển khai thêm nhiều kỹ thuật cao, mới như: Ghép thận, ghép tế bào gốc điều trị đa u tủy sống, ứng dụng rô-bốt vào phẫu thuật thần kinh cột sống. Hiện, BV đã triển khai gần 11 nghìn kỹ thuật, hoàn thiện, phát triển các kỹ thuật cao như mổ tim hở, can thiệp mạch, hỗ trợ sinh sản, tán sỏi điện từ trường, điện lý cơ tim, hóa mô miễn dịch, kỹ thuật giải trình tự gien... BV có hàng trăm bác sĩ chuyên khoa II, chuyên khoa I với trình độ tay nghề cao. Riêng năm 2020, BV khám cho hơn 356 nghìn lượt người bệnh, điều trị nội trú cho hơn 100 nghìn người bệnh, thực hiện hơn 21 nghìn ca mổ trung, đại phẫu. BV tập trung chỉ đạo tuyến, đào tạo nhân lực và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh. Qua đó, giúp cho người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay tại cơ sở, không phải chuyển tuyến, tiết kiệm tiền của cho người dân và giảm tải cho BV tuyến trên.

Phấn đấu thành trung tâm y tế khu vực Bắc Trung Bộ

Mục tiêu của Đề án là đầu tư xây dựng và phát triển các cơ sở y tế tại thành phố Vinh trở thành trung tâm y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân cho các tỉnh trong khu vực.

Triển khai Đề án, nhiều BV đã được thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực. BV Ung bướu Nghệ An được thành lập năm 2010, trên cơ sở tiếp quản một khoa của BV khác. Dù hiện nay đang trong quá trình xây dựng, nhưng mỗi ngày BV vẫn điều trị nội trú từ 1.100 đến 1.200 người bệnh ở Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ cùng hàng trăm người bệnh ngoại trú. Năm 2019, BV đưa vào hoạt động Trung tâm Xạ trị và Y học hạt nhân, trở thành BV đầu tiên và duy nhất khu vực Bắc Trung Bộ được trang bị hệ thống công nghệ hiện đại, khép kín từ chẩn đoán đến điều trị ung thư, giúp cho người bệnh không phải lên tuyến T.Ư điều trị. Là BV vệ tinh, cho nên BV nhận được sự hỗ trợ của Bệnh viện K T.Ư, đồng thời đơn vị tiếp tục phát triển hoàn thiện và triển khai nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại, tối ưu liều điều trị. Đến nay, BV đã xạ trị cho hơn 1.500 người bệnh, với 32.000 lượt xạ trị. Năm 2020, BV đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao, mới trong chẩn đoán và điều trị. BV Ung bướu Nghệ An là BV tuyến tỉnh đầu tiên phẫu thuật cắt khối tá tụy hoàn toàn bằng phương pháp nội soi ổ bụng, khẳng định năng lực làm chủ kỹ thuật khó của các thầy thuốc trẻ. BV đã đưa vào hoạt động hệ thống trang thiết bị mới, hiện đại: máy chụp cộng hưởng từ Pet/CT, máy nội soi siêu âm, máy chụp cắt lớp tuyến vú 3D... để triển khai nhiều kỹ thuật tuyến T.Ư. Sắp tới, BV sẽ đầu tư thêm hệ thống Cyclotron, sản xuất chất đồng vị phóng xạ…

Xác định nguồn nhân lực chính là "xương sống " trong sự phát triển, BV đa khoa TP Vinh đã chủ động thu hút, tuyển dụng các bác sĩ giỏi, cử bác sĩ đi đào tạo tại bệnh viện tuyến T.Ư; chủ động phối hợp các chuyên gia đầu ngành trực tiếp tham vấn, hội chẩn, phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh khó và chuyển giao các kỹ thuật mới, chuyên sâu. Nhiều kỹ thuật của tuyến tỉnh và tuyến T.Ư đã được triển khai tại BV như: Phẫu thuật nội soi tán sỏi thận bằng ống mềm; phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ; phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, bán phần, phẫu thuật lồng ngực mạch máu… BV là mô hình điểm về tự chủ tài chính và thành công trong việc số hóa tất cả các hoạt động khám, chữa bệnh. Hiện, BV đạt 6 trong số 7 nhóm tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục xây dựng đạt tiêu chuẩn BV thông minh và phấn đấu trở thành BV "không giấy tờ" vào cuối năm 2025. BV Sản nhi Nghệ An cũng đã có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, thông qua việc liên kết với các BV tuyến T.Ư, BV hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh. Tuy máy móc, trang thiết bị cho kỹ thuật chuyên sâu còn thiếu, nhưng đến nay, BV đã thực hiện mổ thường quy đối với những ca bệnh khó như: Rau thai cài răng lược, phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý phụ khoa và ung thư; mổ tim hở, can thiệp mạch tim và phẫu thuật dị tật bẩm sinh... BV đang triển khai 10 kỹ thuật cao, bước đầu thành công ở ba kỹ thuật: Cấy ốc tai, hạ thân nhiệt và lấy máu cuống rốn...

Tuy nhiên, sự phát triển kỹ thuật cao ở các cơ sở y tế của Nghệ An chưa xứng tầm là trung tâm y tế khu vực Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nguồn lực đầu tư cho ngành y tế còn nhiều hạn chế, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị. Một số kỹ thuật cao đã thực hiện, nhưng chưa trở thành kỹ thuật thường quy. Tình trạng quá tải còn xảy ra tại hầu hết BV công lập... Để khắc phục hạn chế, tỉnh Nghệ An đang xây dựng Đề án "Tiếp tục phát triển y tế kỹ thuật cao để TP Vinh trở thành trung tâm y tế khu vực Bắc Trung Bộ giai đoạn 2021 - 2025".

PGS,TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Thời gian tới, các cơ sở y tế trên địa bàn TP Vinh sẽ hoàn thiện các kỹ thuật đã triển khai của giai đoạn 2015 - 2020; đồng thời, phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới lần đầu áp dụng tại khu vực Bắc Trung Bộ. Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác trong nước với các BV chuyên khoa đầu ngành hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cử các kíp bác sĩ, kỹ thuật viên đi học tập, chuyển giao kỹ thuật mới, chuyên sâu tại nước ngoài và mời chuyên gia nước ngoài về chuyển giao kỹ thuật tại các BV trong tỉnh. Tiếp tục thu hút chuyên gia giỏi về làm việc và giúp Nghệ An đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Tiếp tục tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật cao từ các BV tuyến T.Ư theo Đề án BV vệ tinh. Huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các BV để có đủ điều kiện phát triển kỹ thuật cao. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng y tế thông minh…