Nghệ An triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

NDO -

Mặc dù chưa vào giữa mùa sốt xuất huyết (SXH) nhưng tại một số địa phương của huyện Diễn Châu đã bùng phát dịch bệnh và một số ổ dịch cũ ở thị xã Hoàng Mai có chỉ số BI (chỉ số bọ gậy) và mật độ muỗi cao so mức cảnh báo, nguy cơ bùng phát dịch SXH là rất lớn nếu chính quyền các cấp ở Nghệ An không vào cuộc quyết liệt.

Phun hóa chất diệt muỗi ở vùng dịch.
Phun hóa chất diệt muỗi ở vùng dịch.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An, năm nay, tình hình dịch SXH ở một số địa phương trong tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và xảy ra sớm hơn các năm trước. Thông thường thì từ tháng 7 trở đi mới xuất hiện dịch SXH, nhưng năm nay, đầu tháng 3 dịch đã xuất hiện ở huyện Diễn Châu.

Cụ thể, dịch SXH bùng phát ở Diễn Châu từ ngày 7-3; đến nay, đã có 386 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, 10/12 xóm của xã Diễn Ngọc có 35 ca mắc SXH, đã điều trị khỏi 31 ca; 8/8 xóm của xã Diễn Bích có 346 ca mắc SXH (có 114 bệnh nhân dưới 15 tuổi), đã điều trị khỏi 100%. Ngay sau khi dịch xảy ra, Sở Y tế, CDC Nghệ An đã cử đoàn công tác ra phối hợp cùng chính quyền địa phương, Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu triển khai các biện pháp khoang vùng, không để dịch lan rộng trên địa bàn.

Nguyên nhân SXH ở Nghệ An thời gian qua là bệnh nội tại. Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Số lượng người dịch chuyển lớn, nguy cơ lây lan mầm bệnh cao. Từ đầu năm tới nay, ngoài 386 ca SXH nội tại, Nghệ An còn phát hiện thêm 24 ca SXH ngoại lai.

Trước tình hình dịch SXH có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, ngành y tế đã vào cuộc quyết liệt, phối hợp huyện Diễn Châu triển khai nhiều biện pháp chống dịch,  như: hỗ trợ gần 600 triệu đồng cho công tác truyền thông, trang thiết bị y tế; cung cấp 130 lít hóa chất phun diệt muỗi tại các gia đình, cơ quan công sở ở những điểm có dịch bệnh; Huyện đoàn, Đồn Biên phòng, Trung tâm Y tế phối hợp các địa phương đồng loạt tổng dọn vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, thả hàng nghìn cá con vào các bể  chứa nước nước tại các hộ gia đình...

Mới đây, qua điều tra, giám sát của CDC Nghệ An tại xã (điểm) Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (ổ dịch SXH cũ, năm 2019), cho thấy, chỉ số BI và mật độ muỗi cao. Cụ thể, chỉ số BI và mật độ muỗi cao gấp bốn đến năm lần so mức báo động cảnh báo dịch. Theo nhận định của ngành y tế, với các chỉ số trên, xã Quỳnh Phương tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch SXH rất lớn nếu chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt. 

Đầu tháng 7, Bộ Y tế đã có công văn, về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH đã lưu ý, Nghệ An là một trong số 12 tỉnh, thành phố trong cả nước liên tục ghi nhận số mắc SXH hàng tuần cao.

Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để dịch lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế giao UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc loăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7. Ngành y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền phòng chống SXH để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống SXH, như: lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt loăng quăng/bọ gậy, nằm màn, chống muỗi đốt, truyền thông về dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết và hướng dẫn khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời...

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.