Nghệ An tập trung nâng tầm thương hiệu các sản phẩm OCOP

Sau 5 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Nghệ An đạt kết quả khá thành công. Các sản phẩm mang thương hiệu OCOP đã tạo được uy tín trên thị trường, nâng cao giá trị hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Phát triển, hoàn thiện và tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP trở thành giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát chăm sóc vườn dây thìa canh.
Công nhân Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát chăm sóc vườn dây thìa canh.

Với hơn 7 ha đất trồng các loại cây dược liệu, như: cà gai leo, dây thìa canh, đinh lăng, mướp đắng rừng…, Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông được nhiều người biết đến với các sản phẩm trà dược liệu túi lọc. Được trồng nơi vùng khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt trong vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát, cho nên dược liệu của công ty có hàm lượng dược tính cao (theo kết quả phân tích, kiểm nghiệm của Viện Dược liệu, Bộ Y tế), được người tiêu dùng ưa chuộng.

Khai phá tiềm năng vùng đệm rừng đặc dụng

Dẫn chúng tôi đi thăm vùng trồng với một màu xanh mơn mởn, Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát Phan Xuân Diện cho biết, việc diệt cỏ, phòng trừ sâu bệnh đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công, ngoại trừ công đoạn tưới được lắp đặt hệ thống tự động. Để bảo đảm công tác quản lý tốt, mỗi loại cây dược liệu được chia thành từng khu trồng chuyên biệt.

Theo ông Diện, dược liệu là cây trồng đang mở ra nhiều triển vọng trong sản xuất nông nghiệp cho người dân khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát. Ông Diện dẫn chứng: “Trồng cà gai leo, với giá 4.500 đồng/kg tươi, sau khi trừ chi phí, mỗi năm người dân sẽ thu về khoảng 130-150 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu trồng mía, lợi nhuận chỉ khoảng 35-40 triệu đồng/ha.

Chưa kể, cây dược liệu ít sâu bệnh, dễ chăm sóc”. Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát đang liên kết với 86 hộ dân ở các xã Chi Khê, Châu Khê, Thạch Ngàn, Lạng Khê trồng 15 ha cà gai leo và chè dây. Công ty định hướng các hộ dân trồng cây gì, quy trình kỹ thuật trong quá trình trồng và đảm nhận bao tiêu đầu ra cho người dân.

Hiện nay, mỗi năm Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát trồng và thu mua khoảng 400 tấn nguyên liệu; trong đó, 40 tấn giảo cổ lam mua của người dân khai thác từ tự nhiên. Với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng để mua sắm máy móc sơ chế, nhà kho, nhà xưởng chế biến, công ty này đang sản xuất bảy dòng sản phẩm (Trà túi lọc cà gai leo, Trà túi lọc dây thìa canh, Trà túi lọc giảo cổ lam, Trà hòa tan cà gai leo, Trà hòa tan dây thìa canh, Cao cà gai leo, Cao dây thìa canh) được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và bốn dòng sản phẩm khác (Viên hoàn dây thìa canh, Viên hoàn cà gai leo, Trà túi lọc an thần Pù Mát, Trà túi lọc dây thìa canh lá to) là sản phẩm OCOP 3 sao.

“Các dòng sản phẩm này được khách hàng đón nhận bởi dễ pha chế, sử dụng và mỗi loại có một công dụng rõ rệt, như: cà gai leo làm mát gan, giải độc gan, hạ men gan; dây thìa canh giúp hạ và ổn định đường huyết cho người bị tiểu đường, giúp hạ và ổn định huyết áp… Ngoài bốn gian hàng ở huyện Con Cuông và thành phố Vinh trực tiếp vận hành, công ty còn có 178 đại lý nhận phân phối trên toàn quốc. Riêng kênh thương mại điện tử, dù mới được triển khai từ năm 2023, nhưng đã chiếm hơn 10% doanh số.

Kế hoạch từ nay đến năm 2030, công ty sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất đông dược đạt GMP-tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc. Chúng tôi đang hoàn thiện nhãn mác, bao bì để đưa sản phẩm trà hòa tan cà gai leo, trà túi lọc dây thìa canh, trà túi lọc cà gai leo trở thành sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Diện chia sẻ.

Từ những sản phẩm ít ỏi ban đầu, đến nay, trên địa bàn Con Cuông đã có 32 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; trong đó có bảy sản phẩm 4 sao. Con Cuông là một trong những địa phương tiêu biểu của Nghệ An trong việc thực hiện Chương trình OCOP. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Con Cuông Lô Văn Thao chia sẻ, Con Cuông là huyện miền núi, sản xuất nông nghiệp của người dân còn lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp.

Quá trình thực hiện chương trình OCOP đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Thấy rõ nhất đó là các chủ thể tham gia đã có sự thay đổi rõ rệt về tư duy sản xuất truyền thống sang kinh tế nông nghiệp hiện đại, hàng hóa bằng cách liên kết giữa người dân với nhau, người dân với doanh nghiệp, tuân thủ quy trình kỹ thuật trong canh tác.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Cách đây hơn một tháng, Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần Diễn Châu (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) đã mang sản phẩm nước mắm hạ thổ, là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An sang Nhật Bản tham gia Hội chợ Foodex Japan năm 2024 - triển lãm quốc tế về thực phẩm và đồ uống có quy mô lớn ở châu Á. Việc tham gia Hội chợ mang về cho công ty hai hợp đồng xuất khẩu, trị giá gần 10 tỷ đồng. Trước đó, Hội chợ Foodex Japan năm 2023 mang về cho công ty này bốn hợp đồng thương mại, trị giá khoảng 30 tỷ đồng.

Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần Diễn Châu Hoàng Ngọc Lân cho biết: “Mỗi năm, công ty xuất ra thị trường trong nước và quốc tế khoảng 1,2 - 1,5 triệu lít nước mắm cá cơm. Tham gia hội chợ giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, phát triển kênh phân phối tại Nhật Bản và nhiều quốc gia khác; cũng là cơ hội để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt xu hướng phát triển của ngành hàng.

Để có mặt tại hội chợ uy tín này, nước mắm Vạn Phần đã trải qua quá trình chọn lọc kỹ càng về hồ sơ, đáp ứng các tiêu chí khắt khe, nhất là tiêu chí an toàn thực phẩm mà hội chợ đề ra”. Năm 2023, công ty này cũng đã tham gia ba hội chợ quốc tế được tổ chức ở Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho thấy, toàn tỉnh hiện đã có 567 sản phẩm OCOP, bao gồm 529 sản phẩm đạt 3 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao và một sản phẩm đạt 5 sao.

Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận. Sản phẩm 5 sao - nhóm Đèn lồng treo mây tre đan của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Phong cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Phong hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đánh giá và công nhận thêm hai sản phẩm là nhóm Hộp quà tặng mây tre và nhóm Đèn bàn mây tre vào danh mục sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.

Về chất lượng sản phẩm, các sản phẩm OCOP được công nhận đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, phù hợp yêu cầu của thị trường. Sản phẩm OCOP được công nhận các hạng sao chỉ có thời hiệu 36 tháng kể từ ngày công nhận, do đó, việc quản lý sau khi công nhận được các cấp, các ngành chức năng quan tâm. Các cơ quan chuyên ngành thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát để các chủ thể có sản phẩm được công nhận chấp hành đúng theo quy định hiện hành.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Võ Thị Nhung cho biết: Chương trình OCOP góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và hơn 1.800 lao động thời vụ.

Thông qua chương trình đã hình thành được một số liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, như: Hợp tác xã Gà đồi Thanh Chương, Hợp tác xã Nhút Hạnh Lâm; Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Phong, Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát; Hợp tác xã Nông nghiệp Sen Quê Bác; Hợp tác xã Nông nghiệp Tĩnh Sáng Đường... Để khuyến khích và tạo điều kiện cho các chủ thể triển khai Chương trình OCOP, ngày 13/12/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND, Quy định một số Chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, có bốn nội dung hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, gồm: máy móc, thiết bị; nhãn mác, bao bì; điểm giới thiệu quảng bá và bán hàng; tiền thưởng.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được của chương trình từ năm 2019 đến nay, Nghệ An chủ trương tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Theo đó, khuyến khích, hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, bảo quản, chế biến.

Tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa sản xuất của người dân, đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu… Song song với đó là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế.

Tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu đến hết năm 2025, có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên; trong đó 10% sản phẩm đạt hạng 4 sao và ít nhất năm sản phẩm đạt hạng 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng.

Phấn đấu có khoảng 35% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 10% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại...