Nghệ An tạo môi trường thu hút đầu tư các dự án công nghiệp

Theo đánh giá của UBND tỉnh Nghệ An, sản xuất công nghiệp sáu tháng cuối năm 2020 của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể kéo dài và những tác động khác.

Hệ thống điều khiển tự động sản xuất ống nhựa của Công ty TNHH Nhựa Thiếu niên Tiền phong miền trung ở Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An). Ảnh: HOÀNG VĨNH
Hệ thống điều khiển tự động sản xuất ống nhựa của Công ty TNHH Nhựa Thiếu niên Tiền phong miền trung ở Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An). Ảnh: HOÀNG VĨNH

Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển. Theo đó, tỉnh chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, thường xuyên phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp và các hội doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh để tổng hợp khó khăn, vướng mắc; giao ban, đối thoại định kỳ để kịp thời giải quyết, hỗ trợ các doanh nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh Nghệ An chủ động làm việc với các bộ, ngành, Trung ương để giải quyết, tháo gỡ các nút thắt về chính sách đất đai (miễn tiền thuê đất, xây dựng bảng giá đất trong các khu công nghiệp), tạo môi trường hấp dẫn trong kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, nhất là các dự án có khả năng đi vào sản xuất trong năm 2020 như: Nhà máy xi-măng Tân Thắng, công suất hai triệu tấn/năm hiện đang chạy thử, dự kiến cho ra sản phẩm thương mại tháng 7-2020; dự án sản xuất viên nén sinh khối của Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam công suất 120 nghìn tấn sản phẩm/năm hiện đã sản xuất thử nghiệm và chính thức sản xuất đầu quý III-2020; dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Luxshare - ICT công suất 62,5 triệu sản phẩm/năm dự kiến hoạt động đầu tháng 7-2020...

 Bến Tre phát triển thương mại điện tử

Kết quả chỉ số thương mại điện tử (TMÐT) do Hiệp hội TMÐT Việt Nam (VECOM) vừa công bố, tỉnh Bến Tre tăng 13 bậc, từ vị trí 28 (năm 2019) lên thứ 15 của cả nước; xếp thứ hai khu vực đồng bằng sông Cửu Long (sau TP Cần Thơ).

Năm 2019, Bến Tre là tỉnh tiên phong trong chuỗi sự kiện "Làng nghề đặc sản online" thuộc dự án "Phát triển TMÐT bền vững" do VECOM khởi xướng, đồng hành với các doanh nghiệp (DN) trong hệ sinh thái TMÐT như Lazada Việt Nam, Công ty cổ phần Sapo... với mục tiêu hỗ trợ các DN vừa và nhỏ ứng dụng mô hình TMÐT trong kinh doanh. Có 16 DN, hợp tác xã, làng nghề ngành dừa Bến Tre tham gia bán hàng trên lazada.vn. Tỉnh tiếp tục phối hợp VECOM và các DN trong hệ sinh thái TMÐT để thúc đẩy cộng đồng DN, DN khởi nghiệp tham gia; tận dụng tốt cơ hội để quảng bá sản phẩm, nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh doanh thu bán hàng trên thị trường TMÐT.

Tỉnh tiếp tục phối hợp VECOM và Trung tâm Phát triển kinh doanh online thực hiện chương trình "Phát triển TMÐT bền vững tỉnh Bến Tre 2020", nhằm hỗ trợ cho tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh và DN trên địa bàn mở rộng bán hàng trực tuyến, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm; Phối hợp Cục TMÐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) triển khai đề án "Xây dựng nhãn hiệu trực tuyến cho những sản phẩm chủ lực của tỉnh"; Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, với chủ đề "Bảo vệ người tiêu dùng trong TMÐT". Phối hợp Lazada mời các DN ở Bến Tre tham gia bán hàng trên Lazada. Hỗ trợ hướng dẫn các DN nâng cao chất lượng, chuẩn hóa sản phẩm, bao bì, tem nhãn tạo lợi thế cạnh tranh khi tham gia bán hàng trực tuyến.