Nghệ An phấn đấu có ít nhất 650 sản phẩm OCOP

Mặc dù điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế nhưng sau bốn năm thực hiện, đến nay Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An; đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần đưa sản phẩm OCOP dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại; chất lượng, giá trị, thu nhập người dân ngày càng cao, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm Tảo xoắn ở Quỳnh Lưu - một sản phẩm OCOP chất lượng cao được người tiêu dùng tin dùng.
Sản phẩm Tảo xoắn ở Quỳnh Lưu - một sản phẩm OCOP chất lượng cao được người tiêu dùng tin dùng.

Nghệ An phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất bốn sản phẩm đạt hạng 5 sao.

Dồi dào về số lượng

Nam Đàn hiện đang là huyện dẫn đầu về số sản phẩm đạt chất lượng trên toàn tỉnh Nghệ An với 60 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP như miến gạo Vân Diên, tương Sa Nam, giò me Nam Nghĩa, tinh bột sắn dây, tinh bột nghệ, các sản phẩm chanh Thiên Nhẫn, gạo lứt rong biển, cốm ngũ cốc, gạo làng sen, lạc,... đang dần khẳng định được thương hiệu đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Những đầm sen từ chỗ trồng chỉ để thu hút khách du lịch thì nay đã được khai thác để trở thành các sản phẩm OCOP 3, 4 sao. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sen quê Bác Phạm Kim Tiến cho biết, hiện Hợp tác xã vinh dự là một trong những đơn vị có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nhất của tỉnh Nghệ An, với 11/15 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao hoặc 4 sao. Ngoài việc phát triển các sản phẩm từ sen, Hợp tác xã đang từng bước tạo cảnh quan nhằm thu hút du khách trải nghiệm quy trình làm trà sen, các sản phẩm khác từ sen cùng chiêm ngưỡng cảnh đẹp của sen...

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Vương Hồng Thái cho biết: Để khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP, tỉnh Nghệ An và huyện Nam Đàn đã có các chính sách hỗ trợ về đất đai, nguồn vốn; xây dựng các điểm bán hàng, hệ thống phân phối sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP; xây dựng các điểm đến về sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, văn hóa; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP. Nam Đàn cũng tập trung chỉ đạo việc đa dạng mẫu mã, bao bì, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm...

Không chỉ có huyện Nam Đàn mà nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đều tập trung chỉ đạo, đưa ra các chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm sản phẩm OCOP. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước. Trong đó, 43 sản phẩm đạt 4 sao; 359 sản phẩm đạt 3 sao và có một sản phẩm đạt 5 sao. Trong số sản phẩm 3 sao có chín điểm du lịch nông thôn. Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận.

Thông qua chương trình đã hình thành được một số liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên và lao động thời vụ cho hàng nghìn người, với thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/tháng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; nhất là phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường địa phương.

Phấn đấu có hơn 650 sản phẩm OCOP

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Phùng Thành Vinh cho biết: Phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh đang xây dựng Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2023-2025”. Theo đó, đến năm 2025, Nghệ An phấn đấu có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất bốn sản phẩm đạt hạng 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, tương đương 134 sản phẩm; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, Nghệ An chú trọng phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 5% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Đồng thời, tỉnh phấn đấu tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...; mỗi đơn vị cấp huyện có một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nêu trên, một vấn đề mấu chốt được đặt ra, dù sản phẩm OCOP Nghệ An số lượng nhiều nhưng chất lượng vẫn cần phải hoàn thiện. Ngoài ra, quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu mặt bằng, có trường hợp kết nối được với đơn vị tiêu thụ nhưng cơ sở không đạt công năng sản xuất, sản lượng theo yêu cầu mà họ đề ra, cùng với đó là

an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã vạch... Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành Nguyễn Văn Dương cho biết, các sản phẩm OCOP đa số mới chỉ là từ nông nghiệp, theo mùa vụ, trong khi để vào được siêu thị, các hệ thống thì mặt hàng phải bảo đảm quanh năm có mặt trên kệ hàng; đây là khó khăn, thách thức trong sản xuất các sản phẩm OCOP theo hướng bền vững... Ngoài ra, các chủ thể sản phẩm OCOP mong muốn, sản phẩm OCOP sản xuất ra cần được các đơn vị, địa phương tích cực hỗ trợ, giúp đưa đi quảng bá, tham dự các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ cho biết: Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang yêu cầu các ban, ngành, cơ quan sớm bổ sung các chính sách liên quan để hoàn thiện đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2023-2025” làm căn cứ để thực hiện. Thời gian tới, các ban, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện; trong đó, việc nâng hạng sao các sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm quan trọng hơn so với việc tăng số lượng sản phẩm; tiếp tục khắc phục những điểm yếu kém ■