Nghệ An nâng cao chất lượng y tế học đường

Hiện nay, tất cả 1.570 trường học của tỉnh Nghệ An đã có nhân viên y tế. Tuy nhiên, trình độ, chuyên môn của nhân viên y tế chưa bảo đảm, còn nhiều hạn chế, bất cập.

Bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An và Bệnh viện Ða khoa huyện Quế Phong khám cho học sinh xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An). Ảnh: HÙNG CƯỜNG
Bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An và Bệnh viện Ða khoa huyện Quế Phong khám cho học sinh xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An). Ảnh: HÙNG CƯỜNG

Ðể nâng cao chất lượng công tác y tế trong trường học, tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các trường tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh...; đề cao vai trò của hiệu trưởng trong việc triển khai chiều sâu công tác chăm sóc y tế tại cơ sở; chỉ đạo các trường bố trí nhân viên y tế đáp ứng quy định hoặc ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường, thị trấn, cơ sở khám, chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Nghệ An cũng triển khai chương trình trang bị kiến thức sơ, cấp cứu, rèn luyện các kỹ năng chuyên môn, bảo đảm sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó, xử lý kịp thời các tai nạn, thương tích tại tất cả trường học trên địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh chú trọng mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhân viên y tế ở các trường học. Ngành giáo dục phối hợp ngành y tế tỉnh có kế hoạch đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ y tế trường học, đồng thời khuyến khích, động viên nhân viên y tế học đường không ngừng tự bồi dưỡng, tự học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng tay nghề trong chính môi trường làm việc của mình.

* Trà Vinh coi trọng ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ

Tỉnh Trà Vinh đã triển khai 88 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh trong sáu năm liền, với tổng kinh phí đầu tư hơn 124 tỷ đồng.

Tỉnh đã nghiệm thu, đánh giá kết quả 61 đề tài, dự án và các chương trình nông thôn và miền núi. Ứng dụng các đề tài, dự án trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình được thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân, như: Sản xuất tôm sú giống tại một số huyện ven biển tỉnh Trà Vinh; chuyển giao kỹ thuật vỗ béo bò thịt bằng phụ phẩm nông nghiệp; mô hình sản xuất giống và nuôi lươn đồng thương phẩm... Bên cạnh đó, TP Trà Vinh đang vận động nông dân duy trì và nhân rộng các mô hình trồng hoa cao cấp, trồng lan cắt cành, trồng khổ qua (mướp đắng) sạch phục vụ sản xuất rượu...

Tuy nhiên, việc chuyển giao ứng dụng nghiên cứu cho người dân còn nhiều hạn chế do thiếu vốn đầu tư, cách thức chuyển giao chưa phù hợp, cộng thêm yếu tố thời tiết cho nên hiệu quả chưa được như mong đợi.

Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, thời gian tới, tỉnh Trà Vinh sẽ lựa chọn địa phương phù hợp; coi trọng sự gắn kết để học tập, trao đổi kinh nghiệm, khai thác thế mạnh của các trung tâm ứng dụng trong khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường thực hiện các chính sách, cơ chế về hoạt động chuyển giao công nghệ, công tác thông tin truyền thông, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về quản lý công nghệ và chuyển giao công nghệ... tăng cường công tác xúc tiến thương mại để tìm nguồn đầu tư ổn định cho các sản phẩm.