Nhìn những độc giả nhỏ tuổi xếp hàng dài trên phố Đinh Lễ (Hà Nội) từ sáu giờ sáng đến một giờ chiều đợi tác giả ký tặng sách sẽ thấy đây là con số thật chứ không phải là sự kiện pi-a (PR) rùm beng như cuốn thơ “dạy kỹ năng sống” nào đó hồi giữa năm nay với số tiền bản quyền lên đến nhiều trăm triệu đồng!
“Ngày xưa có một chuyện tình” khác với những cuốn sách trước đây của Nguyễn Nhật Ánh vì đó là câu chuyện tình yêu tuổi học trò, không chỉ bảng lảng, mơ màng ở tuổi mới lớn kiểu “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mà trực diện các vấn đề giới tính, tình dục, về sự hèn nhát và lòng cao thượng, đổ vỡ và hàn gắn... Các nhân vật nhí của ông không dừng lại ở tuổi học trò mà tiếp tục lớn lên, đi làm, sinh con đẻ cái, đối diện với thực tại khắc nghiệt của đời sống người lớn.
“Mười hai tuổi, tôi bắt đầu để ý đến bạn khác giới” (nhân vật Vinh), đó là một thực tế không việc gì phải hốt hoảng trong xã hội hôm nay. Chuyện “tình tay ba” giữa Phúc, Vinh và Miền khởi đầu từ năm các em mới học lớp 7. Tuổi học trò kết thúc khi Miền có thai, sinh em bé và Phúc biến mất khỏi thị trấn Gò Rùa. Viết về tuổi học trò, như thường lệ là phần mạnh nhất của “thầy phù thủy tâm lý” Nguyễn Nhật Ánh, ngay lập tức chinh phục cả trẻ con lẫn người lớn.
Nguyễn Nhật Ánh là người kể chuyện rất duyên. Trẻ con đọc sẽ thấy hiện tại của mình, còn người lớn đọc sẽ thấy quá khứ của họ. Chuyện của ông lôi cuốn một cách dễ hiểu, luôn kích thích trí tưởng tượng của trẻ con nhưng cũng lắt léo vừa đủ để không nhàm chán. Điều đầu tiên và thường xuất hiện trong rất nhiều cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh đó là ông luôn đứng về phía những đứa trẻ gan dạ có phần “phá cách”.
Hẳn Nguyễn Nhật Ánh phải có lý do nào đó để là người thấm thía điều đó nhất, vì vậy ông cổ vũ cho sự can đảm, hành động dũng cảm bằng những tình tiết bất ngờ, đến từ những người tưởng chừng như yếu đuối. Các bậc cha mẹ đừng quá dị ứng vì những trò nghịch ngợm của trẻ con, bởi đó là ký ức ngọt ngào nhất của tuổi thơ, hãy để mắt nhưng đừng vì quá lo lắng, gia trưởng mà tước đoạt đi điều đó.
Điều khác của cuốn sách này so những cuốn trước là các nhân vật nhí của tác giả (Phúc, Vinh, Miền) đã lớn lên. Họ phải đối mặt với những ràng buộc kèm theo là toan tính, tội lỗi và trừng phạt, lòng cao thượng và sự trả giá. Bạn đọc sẽ thấy một bổ sung hoàn chỉnh của Nguyễn Nhật Ánh người lớn cho Nguyễn Nhật Ánh trẻ con mà ta đã từng biết, từng quen, từng yêu thích. Khi viết về trẻ con, ông gửi thông điệp cho người lớn, còn khi trong vai người lớn, ông lại gửi thông điệp cho những đứa trẻ; đó là một điều đặc biệt ở cuốn sách này. Những bài học tình yêu có vẻ hơi sách vở nhưng hướng trẻ em đến lòng thiện và những điều tốt đẹp của tình yêu thương.
Có lẽ đó cũng là những quy luật bất biến của tình yêu: “Số phận thích ném đá những người đang yêu... Cậu biết con đang rất buồn... Nhưng không sao, nỗi buồn sẽ làm con đau, nhưng cũng dạy con trưởng thành” (cậu Huân). “Để lớn, tôi phải học cách chấp nhận nỗi buồn như một ông thầy bất đắc dĩ”, “Tình yêu không thuần túy là cảm xúc mà còn là nỗ lực lớn lao để thu hẹp mọi khoảng cách, san bằng mọi hố sâu, cuối cùng để ai cũng có thể tìm thấy cho đời mình một chỗ nương náu đáng tin cậy”; và “Quà tặng của tình yêu chính là tình yêu”... (Vinh).
Có một nét mới đáng chú ý trong cuốn sách này, đó là thủ pháp kể chuyện. Trong truyện có tới bốn nhân vật ở ngôi “tôi” với sự hóa thân tài tình của tác giả. Cùng là thủ pháp đồng hiện, nhưng Nguyễn Nhật Ánh biến hóa, cao cường một cách vừa đủ cho đối tượng thiếu nhi mà vẫn hấp dẫn độc giả mọi lứa tuổi.
Đọc “Ngày xưa có một chuyện tình” và nhìn hàng dài các em xếp hàng chờ nhận chữ ký của tác giả, tôi đâm ra nghi ngờ những cách lý giải về sự xuống cấp của văn hóa đọc hiện nay. Nếu có những cuốn sách hay, thì độc giả chẳng bao giờ quay lưng lại với sách. Có thể nói, Nguyễn Nhật Ánh đã góp phần cổ vũ cho văn hóa đọc bằng những cuốn sách hút độc giả của mình. Còn nữa, những nhân vật mà trẻ em yêu thích nhất trong các cuốn sách của ông, thường là những đứa trẻ chăm đọc sách.