Sau hơn một năm thực hiện, phong trào “Ngày thứ bảy cán bộ và nhân dân xây dựng NTM” với nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao.
Mèo Vạc là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Hà Giang, trong những năm vừa qua, huyện đã tích cực thực hiện chương trình xây dựng NTM và đạt những thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc xây dựng NTM ở nhiều địa phương chỉ tập trung vào những phần việc có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, còn những phần việc cần huy động nội lực trong dân lại chưa được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Từ thực tế đó, tháng 10-2018, huyện Mèo Vạc đã ban hành kế hoạch “Ngày thứ bảy cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng NTM” với mục tiêu huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư thực hiện phòng trào xây dựng NTM.
Thôn Trù Sán nằm cách trung tâm xã Sơn Vĩ hơn 12 km. Cuối năm 2018, gần 4 km đường vào thôn vẫn chỉ là đường mòn, chạy qua những vách đá cheo leo, hiểm trở. Đường sá đi lại khó khăn, cho nên thôn như bị cô lập với thế giới bên ngoài, đó là “nút thắt” lớn nhất trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Thôn có 29 hộ người dân tộc H’Mông, trong đó có tới 23 hộ nghèo. Mở đường vào thôn Trù Sán là điều cấp thiết, nhưng do nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, huy động sức dân địa phương khó khăn cho nên huyện Mèo Vạc quyết định lựa chọn việc mở đường vào Trù Sán là mục tiêu đầu tiên của phong trào “Ngày thứ bảy cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng NTM”.
Ròng rã nhiều tháng trời, cứ 6 giờ thứ bảy, hàng trăm cán bộ, đoàn viên và các lực lượng vũ trang ở huyện Mèo Vạc lại vượt hơn 60 km đường núi vào xã biên giới Sơn Vĩ để mở đường Trù Sán. Việc mở nền đường gặp rất nhiều khó khăn do địa hình toàn núi đá. Cán bộ và nhân dân phải dùng búa, xà beng để phá đá, tạo mặt bằng. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mèo Vạc Vương Thị Thủy cho biết: “Thấu hiểu nỗi vất vả của cán bộ, nhân dân cho nên các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND và lãnh đạo các ngành của huyện hằng tuần đều thay phiên nhau vào công trình, vừa trực tiếp lao động, vừa động viên cán bộ cố gắng để hoàn thành tuyến đường”.
Sau 5 tháng thi công, huyện đã tổ chức 16 buổi “Ngày thứ bảy cán bộ, nhân dân chung tay xây dựng NTM”, huy động gần 3.000 công lao động để mở rộng, nâng cấp, tạo nền đường. Huyện cũng đã vận động các nhóm từ thiện hỗ trợ gần một tỷ đồng để đổ bê-tông toàn tuyến. Tháng 7-2019, tuyến đường bê-tông dài gần 4 km, rộng hơn 1 m vào thôn Trù Sán hoàn thành trong niềm vui mừng, hạnh phúc của người dân địa phương. Ngày khánh thành, nhìn những chiếc xe máy đi vào trung tâm thôn Trù Sán, ông Lầu Nỏ Lúa, 63 tuổi xúc động cho biết: “Hạnh phúc của người dân Trù Sán là công sức của cán bộ huyện và người dân trong xã. Tuyến đường giao thông đi lại thuận tiện sẽ cho người dân trong thôn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”.
Từ khi phát động phong trào, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể huyện Mèo Vạc đã xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ luân phiên về các xã được phụ trách để chung sức cùng người dân xây dựng NTM. Các xã chủ động lựa chọn chủ đề công việc, trong đó tập trung chính vào việc giúp dân đổ đường bê-tông nông thôn; vệ sinh, khơi thông cống rãnh, phát cỏ đường giao thông; giúp hộ gia đình nghèo tu sửa nhà, xóa nhà tạm; đổ bê-tông sân điểm trường; hỗ trợ vận chuyển vật liệu làm nhà và các công trình vệ sinh cho hộ nghèo; thu hoạch hoa màu; che chắn chuồng trại trong mùa đông…
Điển hình như trường hợp gia đình ông Lầu Mí Dia, ở thôn Séo Sả Lủng, xã Tả Lủng được hỗ trợ 60 triệu đồng để xóa nhà tạm. Vị trí xây nhà nằm dưới thung lũng, cách đường giao thông hơn 500 m, việc vận chuyển vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn do ông Dia sống một mình, sức khỏe yếu. Bí thư Đảng ủy xã Pả Lủng Vàng Mí Dình cho biết: “Xã đã huy động cán bộ và nhân dân trong thôn giúp gia đình ông Dia vận chuyển vật liệu xây dựng làm nhà. Bốn buổi sáng thứ bảy, một phần ba cán bộ xã và cán bộ một số cơ quan ngoài huyện vận chuyển toàn bộ vật liệu là cát, gạch, ngói, xi-măng”. Trong ngôi nhà ba gian khang trang vừa hoàn thành cuối tháng 10, ông Dia cho biết: “Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, của cán bộ xã, huyện cho nên tôi mới có nhà mới để ở, từ nay không phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa gió. Đó là động lực giúp tôi vươn lên, yên tâm lao động”.
Sau hơn một năm thực hiện phong trào, các xã, thị trấn đã huy động hơn 60 nghìn lượt cán bộ và nhân dân tham gia “Ngày thứ bảy cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng NTM”. Kết quả, nhiều xã vùng cao ở Mèo Vạc từng bước hoàn thành các tiêu chí NTM, nhất là các tiêu chí về nhà ở, đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường… Cụ thể, gần 10 km đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa; quét dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh và phát cỏ 131 km đường giao thông; giúp gần 50 hộ gia đình tu sửa, xây dựng và xóa nhà tạm; xây dựng nhà vệ sinh và nhà tắm cho hơn 40 hộ gia đình; san mặt bằng nhà văn hóa, điểm trường và các công trình khác được gần 7.000 m2...
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mèo Vạc Vương Thị Thủy cho biết: “Đến nay, phong trào đi vào nền nếp và nhận được sự đồng tình cao của cán bộ và nhân dân. Từ phong trào này, không chỉ huy động được nguồn lực từ cán bộ và nhân dân xây dựng NTM mà cũng là điều kiện để giúp mỗi cán bộ gần dân, hiểu dân hơn, từ đó nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của dân để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình”.