Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024; Hội Sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 sẽ diễn ra tại thành phố Hà Nội, từ ngày 17 đến ngày 21/4. Các địa phương, các cơ quan, ban, bộ, ngành tổ chức các chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam từ ngày 15/4.
Chuyển đổi số là một trong những hướng đi quan trọng mà ngành xuất bản, in và phát hành hướng tới trong thời gian tới. Năm nay, các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cũng được chú trọng trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mới đây đã phát biểu trong Hội nghị Triển khai công tác Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm năm 2024: “Xuất bản sẽ phải hoạt động đồng thời ở cả 2 không gian. Không gian cũ với sự trợ giúp của công nghệ mới sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Còn không gian mới – không gian mạng sẽ giúp cho xuất bản mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tạo ra sự phát triển trong dài hạn. Nhưng 2 không gian này không hoạt động độc lập mà bổ trợ: chỗ nào, cái nào online tốt hơn thì hãy online và ngược lại”.
Bạn đọc tham gia kín chỗ một sự kiện giới thiệu sách tại Thư viện Quốc gia. |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, một nền tảng số mở sẽ thu hút được nhiều nguồn lực để làm sách, có thể là vô hạn. Xây dựng một nền tảng số làm sách cho các nhà xuất bản, cung cấp các công cụ tự động và thông minh cho người làm sách, từ khâu sáng tác, biên tập, sản xuất, giới thiệu và phân phối đa nền tảng, làm ra nhiều phiên bản đa hình tướng của sách, rồi đến thu thập phản hồi của người đọc, tương tác với người đọc, rồi người đọc cũng tham gia vào các công đoạn của sách, phân tích dữ liệu để phục vụ riêng từng khách hàng theo hướng đối tượng, phân tích dữ liệu để phát hiện xu thế thị trường... Hợp tác với các công ty công nghệ số là lời giải chính cho ngành Xuất bản.
Chính vì thế, một trong những nội dung quan trọng của các hoạt động nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay là kết hợp với chuyển đổi số.
Theo kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông, các hoạt động năm nay theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của các nền tảng công nghệ, chuyển đổi số như: Hội sách trực tiếp; Hội sách trực tuyến trên các nền tảng công nghệ; Hội sách trực tiếp kết hợp với trực tuyến; Hội sách thanh toán không sử dụng tiền mặt; đổi điểm thưởng tích lũy của khách hàng tại một số ngân hàng thương mại lấy quà tặng bằng sách; kết hợp truyền thông, quảng bá sách và văn hóa đọc trên các chuyên mục báo điện tử, mạng xã hội.
Các sự kiện giảm giá, khuyến mãi, tri ân khách hàng của các đơn vị xuất bản luôn thu hút đông đảo bạn đọc tham gia. |
Năm nay, ngoài các hoạt động truyền thống như tổ chức các tuần lễ sách, hội sách, tháng phát hành hành sách trọng tâm tri ân khách hàng, các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành còn được khuyến khích tổ chức các kênh phát hành trực tuyến, kết hợp với các nền tảng công nghệ, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sách, song hành cùng các chương trình tặng sách đến các đối tượng yếu thế; các chương trình khuyến mại hỗ trợ bạn đọc, phát triển văn hóa đọc.
Năm nay là năm thứ 3 Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam diễn ra, với mục tiêu đưa sách tới càng nhiều người đọc càng tốt. Và công tác quảng bá cả trực tiếp và trực tuyến đều được chú trọng. Không chỉ giới thiệu, quảng bá sách, mà còn quảng bá, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nền tảng công nghệ, mạng xã hội nhằm lan tỏa sâu rộng giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng; kết nối bạn đọc trong nước và nước ngoài.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương giao lưu với các bạn đọc trẻ. |
Hằng năm, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được coi như một ngày hội của những người yêu sách. Với số lượng độc giả trẻ đang ngày càng tăng như hiện nay, việc triển khai các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cũng góp phần thu hút bạn đọc trẻ, phù hợp với thói quen đọc sách thời đại công nghệ số, bên cạnh những phương thức tiếp cận sách truyền thống.