Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), đại dương bao phủ 70% bề mặt trái đất, là nhân tố chính của sự thay đổi về thời tiết và khí hậu trên thế giới. Đại dương cũng đóng một vai trò trung tâm trong biến đổi khí hậu. Đại dương cũng là nhân tổ chính của nền kinh tế toàn cầu, thực hiện hơn 90% thương mại thế giới và duy trì 40% sự sống trong phạm vi 100 km bờ biển.
Nhận thức được điều này, dịch vụ khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia và các nhà nghiên cứu thường xuyên theo dõi đại dương và cách nó đang thay đổi, mô hình hóa cách đại dương ảnh hưởng đến bầu khí quyển và cung cấp nhiều dịch vụ biển, bao gồm hỗ trợ quản lý vùng ven biển và an toàn sinh mạng trên biển. Ngày nay, những tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đang khiến các hoạt động quan sát, nghiên cứu và dịch vụ đại dương trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm 2021 tôn vinh trọng tâm của WMO trong việc kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong hệ thống trái đất. Sự kiện này cũng đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ Khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (2021-2030).
Thập kỷ khuyến khích nỗ lực thu thập khoa học đại dương - thông qua các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi - làm cơ sở thông tin để hỗ trợ phát triển bền vững. WMO, với tư cách là cơ quan chuyên trách về khí hậu, thời tiết và nước của Liên hợp quốc, cố gắng hỗ trợ hiểu được mối liên hệ chặt chẽ giữa đại dương, khí hậu và thời tiết.
Thông điệp của GS Petteri Taalas, Tổng Thư ký WMO, nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang làm cho đại dương ấm lên, ảnh hưởng đến thời tiết của chúng ta. Báo cáo khí hậu toàn cầu thường niên của WMO đã chỉ ra, năm 2020 là một trong ba năm nóng nhất lịch sử, mặc dù La Nina đang hoạt động khiến khu vực Thái Bình Dương trở nên mát mẻ hơn. Thập kỷ 2011-2020 cũng được ghi nhận là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử.
Nhiệt độ đại dương đang ở mức kỷ lục, quá trình đại dương bị acid hóa đang tiếp diễn. Băng trên biển vẫn đang tan. Tốc độ gia tăng mực nước biển ngày càng mạnh.
Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những đợt hạn hán dài, khiến cho mùa khô nóng và các đợt cháy rừng bị kéo dài ở nhiều nơi trên toàn thế giới. Một thí dụ điển hình là đợt cháy rừng nghiêm trọng ở Australia có liên quan đến nhiệt độ đại dương do bị ảnh hưởng bởi hình thái khí hậu mùa khô nóng hơn.
Nhiệt độ đại dương ấm lên đã thúc đẩy một mùa bão kỷ lục ở Đại Tây Dương và các cơn lốc xoáy nhiệt đới dữ dội bất thường ở Ấn Độ Dương và nam Thái Bình Dương. Thiệt hại từ ảnh hưởng của nước dâng do bão ở những khu vực này đã chứng tỏ sức mạnh của đại dương và tác động tàn phá của nó đối với các cộng đồng dân cư ven biển.
Các cơn bão ngoại nhiệt đới trên biển tiếp tục gây ảnh hưởng đến vận tải hàng hải quốc tế, gây thêm thiệt hại về tính mạng và tài sản trên biển.
Thể tích băng tối thiểu trên khu vực Bắc Cực năm 2020 được ghi nhận nằm trong các năm có mức thấp nhất. Các cộng đồng ở vùng cực đã phải hứng chịu lũ lụt bất thường ở ven biển cũng như các hiểm họa trên biển do băng tan.
Theo đó, cộng đồng WMO có vai trò chính trong việc hỗ trợ nghiên cứu, quan trắc, dự báo và cung cấp dịch vụ thông tin về đại dương, cũng như khí quyển, địa quyển và băng quyển.
Sự thiếu hụt lớn trong cơ sở dữ liệu quan trắc trên đại dương đang cản trở khả năng dự báo chính xác thời tiết và xa hơn nữa, là các biến động thời tiết và khí hậu ở quy mô mùa và nội mùa. Hội nghị Dữ liệu của WMO vào tháng 11 năm 2020 đã ghi nhận những khoảng trống lớn trong cơ sở dữ liệu, đặc biệt ở các khu vực đại dương. Điều này một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống dữ liệu về Trái đất ở dạng mở, có thể truy cập tự do, để khai thác những dữ liệu này một cách hiệu quả nhất.
WMO có rất nhiều đối tác hợp tác, bao gồm cả với Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ của UNESCO, nhằm hiểu, quan trắc và dự báo đại dương một cách tốt hơn, như thể đó là một phần của Hệ thống Trái đất của chúng ta.
Với hơn 40% dân số toàn cầu sống cách bờ biển chỉ 100km, chúng ta có thể thấy rõ nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ an toàn cộng đồng dân cư trước tác động của các thiên tai ven biển. WMO và các thành viên đã và đang thực hiện nhiệm vụ của mình, nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý, tăng cường khả năng phục hồi vùng ven biển và củng cố các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai MHEWS.
Gần 90% hoạt động thương mại trên thế giới được thực hiện qua vận tải hàng hải quốc tế và phải đối mặt với những điều kiện thời tiết hàng hải khắc nghiệt. WMO hợp tác với Tổ chức Hàng hải quốc tế và Tổ chức Thủy văn quốc tế để cung cấp thông tin, dự báo và cảnh báo đã được chuẩn hóa, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản trên biển.
Thập kỷ tới sẽ là thời gian quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Với tư cách là Ứng cử viên cho Giải thưởng Sáng kiến Trái đất (giai đoạn 2021 - 2030), WMO đang cố gắng đóng góp cho nỗ lực này, nhằm tìm kiếm các giải pháp đối với những thách thức môi trường cấp bách đến từ cả đại dương và khí hậu
Năm nay cũng là một năm rất quan trọng đối với WMO để đánh dấu sự khởi đầu của Thập kỷ Khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (giai đoạn 2021-2030). WMO cam kết sẽ tập trung phần lớn các hoạt động của mình để hướng tới các mục tiêu của Thập kỷ, vì một “đại dương an toàn”, “đại dương thấu hiểu” và “đại dương tường minh”.
Cùng với các đối tác của mình, WMO đang nỗ lực tăng cường nền tảng và hiểu biết khoa học về hệ thống trái đất cho các hoạt động cung cấp dịch vụ.
Để hiểu thời tiết và khí hậu, chúng ta phải hiểu được đại dương bao la. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng theo đuổi mục tiêu này, nhằm bảo vệ những cộng đồng dễ bị tổn thương và hỗ trợ Khung Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai, hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Biến đổi khí hậu Paris và Con đường SAMOA.
Cũng theo Tổng thư ký Petteri Taalas, WMO đang tiên phong trong việc phát triển các sáng kiến quan trọng mang tính toàn cầu vào những năm tới để hướng đến những vấn đề mà các thành viên đang ưu tiên như:
Thứ nhất, tầm quan trọng của việc tăng cường mạng lưới quan trắc toàn cầu và thiết lập một sáng kiến hỗ trợ tài chính đổi mới SOFF (Systematic Observations Financing Facility) để bảo đảm hoạt động quan trắc thời tiết và khí hậu được thực hiện một cách có hệ thống, đặc biệt là đối với các nước kém phát triển và các quốc đảo nhỏ.
Thứ hai, đang tạo ra sự kết nối giữa nguồn nước và khí hậu, thúc đẩy thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6, liên quan đến nguồn nước.
Cuối cùng, bảo đảm tăng cường dịch vụ và hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho tất cả các quốc gia thành viên.
Được biết, ngày 23-3 hằng năm được lựa chọn là Ngày Khí tượng thế giới. Các chủ đề được chọn cho ngày này phản ánh các vấn đề thời tiết, khí hậu hoặc các vấn đề liên quan đến nước và nguồn nước. Đây là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng thủy văn trên khắp thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước sự tác động của thiên tai có nguồn gốc KTTV.
Là một thành viên của WMO, ngành KTTV Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, cam kết thúc đẩy các hoạt động quan trắc và nghiên cứu khoa học Đại dương, góp phần thực hiện cam kết mục tiêu chung của WMO về Thập kỷ Khoa học Đại dương của Liên hợp quốc. Việt Nam đã và đang phối hợp cùng với WMO và các nước thành viên có những chương trình nghiên cứu, trao đổi thông tin để ngày càng nâng cao năng lực dự báo, nâng cao vai trò, vị thế của ngành KTTV Việt Nam.
Nhân kỷ niệm Ngày Nước thế giới 22-3, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021, Tổng cục KTTV và các đơn vị trực thuộc phối hợp các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài nguyên Môi trường triển khai lồng ghép các hoạt động hưởng ứng.
Cụ thể, ngày 23-3 diễn ra lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới và Tọa đàm “Giám sát đại dương- Dự báo cảnh báo thiên tai phục vụ sinh kế biển”. Hoạt động ý nghĩa này được tổ chức trực tuyến từ Tổng cục KTTV đến 63 điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố.