Ngày hội yêu thương cho trẻ tự kỷ

NDO -

Ngày 31/3, chương trình “Ngày hội yêu thương cho trẻ tự kỷ” đã diễn ra  tại Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các bạn nhỏ tham gia chương trình (Ảnh: NFVC).
Các bạn nhỏ tham gia chương trình (Ảnh: NFVC).

Sự kiện nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4. Qua đó, mong muốn các học sinh tự kỷ có cơ hội giao lưu, trải nghiệm và phát triển những kỹ năng của bản thân. Đây cũng là dịp để mọi người có nhận thức đúng về tự kỷ, từ đó thấu hiểu và yêu thương nhiều hơn.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đồng khởi xướng thực hiện trong 5 năm, từ 2018 đến 2023. 15 cơ sở can thiệp cho trẻ tự kỷ trong cả nước cũng được dự án giúp tổ chức các hoạt động truyền thông và hỗ trợ các em hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ năm 2022.

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết: “Ngày 2/4 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng này. Cách tốt nhất để hưởng ứng ngày này chính là nhận biết các đặc điểm của người tự kỷ và làm tốt hơn nữa để tất cả chúng ta đều nâng cao hiểu biết, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của những người chung quanh”.

Từ năm 2008, ngày 2/4 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ.
Năm 2022, Liên hợp quốc công bố chủ đề của Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ là “Giáo dục hòa nhập chất lượng cho tất cả”.
Chủ đề này là sự tiếp nối với chủ đề của năm 2021 - “Hòa nhập tại nơi làm việc”, nhằm nhấn mạnh rằng người tự kỷ cũng có quyền được hưởng một nền giáo dục chất lượng như những người khác. 

Nhân dịp này, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty PNJ đã dành tặng những món quà ý nghĩa cho các em học sinh khuyết tật và mắc chứng tự kỷ đang học tập và can thiệp tại trường.

Mục tiêu của dự án là nâng cao nhận thức của cộng đồng về tự kỷ và giúp những trẻ em tự kỷ nhanh chóng hòa nhập xã hội và phát triển tốt hơn khi có sự thấu hiểu của cộng đồng.

Sau 3 năm triển khai, dự án đã xây dựng và phát hành được Bộ tài liệu chuẩn về trẻ em tự kỷ (gồm có: Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam, Hướng dẫn chơi cùng con, Hỗ trợ hình ảnh cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ).

Đồng thời, chương trình tổ chức bồi dưỡng cán bộ nòng cốt và giảng viên nguồn tại các trung tâm can thiệp cho trẻ tự kỷ; truyền thông trang bị kiến thức cho giáo viên, phụ huynh tại các trung tâm ở các tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua các hoạt động: tập huấn, tọa đàm, vận hành trang thông tin điện tử Chong chóng sắc màu - kênh truyền thông qua internet chính thức của dự án,...

Để hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thực về chứng tự kỷ, 15 cơ sở can thiệp cho trẻ em tự kỷ trong cả nước được dự án tổ chức các hoạt động truyền thông. Qua đó, nhằm lan tỏa tới cộng đồng ý thức trách nhiệm cũng như cách hiểu đúng về chứng tự kỷ ở trẻ em.

Rối loạn phổ tự kỷ (sau đây gọi tắt là tự kỷ) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh, khởi phát vào giai đoạn phát triển đầu đời và được đặc trưng bởi hai nhóm suy yếu chính là: khó khăn, hạn chế trong tương tác, giao tiếp, chia sẻ mang tính xã hội; các hành vi, sở thích hạn hẹp và định hình lặp lại.
Tự kỷ là một trong những dạng rối loạn phức tạp, chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, nên không dễ để quá trình tác động hay can thiệp có thể dẫn đến sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng hướng, đúng cách, trẻ tự kỷ vẫn có thể phát triển và rút ngắn khoảng cách so với những trẻ cùng trang lứa khác.
Ở Việt Nam, chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200 nghìn người mắc chứng tự kỷ. Trong thực tế, số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay.