Ngày 13-6-2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 521/2005/QÐ-TTg, lấy ngày 19-8 hằng năm, ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân cũng là "Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa về giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng công an cách mạng, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Ðồng thời tiếp tục đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi tình huống; kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khích lệ động viên phong trào. Luật Công an nhân dân (2018) cũng đã xác định ngày 19-8 hằng năm là ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Ngày 22-1-2019 Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa XII) có Kết luận số 44-KL/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
2. Kết quả thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và việc thực hiện Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc 15 năm qua (2005-2020), nét nổi bật đã cho chúng ta thấy: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Ðảng không ngừng được tăng cường, sự điều hành của chính quyền các cấp được quyết liệt hơn nhiều so với trước, sự tham gia vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội các cấp và nhân dân được chuyển biến tích cực, rõ nét nhất là về việc xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong công tác tuyên truyền và hành động cụ thể, sát thực, hướng về cơ sở; nội dung phong phú, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; hình thức đa dạng, hấp dẫn và luôn được đổi mới, với nhiều mô hình hoạt động hay, việc làm sáng tạo, hợp với ý đảng, lòng dân được nhân rộng và đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định về chính trị; an ninh, an toàn luôn được bảo đảm, thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương không ngừng phát triển.
Lực lượng Công an nhân dân từ bộ đến xã, phường, thị trấn và các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp luôn luôn được xác định, xứng đáng và phát huy là lực lượng nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bộ Công an cũng đã chủ động ban hành hàng trăm văn bản có nội dung chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương về việc thực hiện kỹ năng dân vận khéo gắn liền với việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của công tác công an trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nhạy cảm có liên quan nhân dân, đồng thời hằng năm chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp về việc thực hiện Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt chất lượng, đúng quy trình, quy định; công an các đơn vị, địa phương cũng đã ký hàng nghìn lượt quy chế phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ngành, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang cùng cấp, các doanh nghiệp lớn, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế đứng chân trên địa bàn trong việc phối hợp tuyên truyền với nhiều thông tin, tài liệu liên quan; trong đó có tuyên truyền trực quan với hàng trăm hình thức hấp dẫn khác nhau ở những nơi công cộng tập trung đông người và truyền thông trực tiếp với hằng trăm nghìn buổi với hàng chục triệu lượt người tham dự; xây dựng hàng trăm chuyên trang, chuyên mục, hơn 30 nghìn phim, phóng sự với hơn 200 nghìn tin, bài đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; đồng thời phối hợp nhiều mô hình hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự có liên quan.
Ðến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã được tăng cường công an chính quy đảm nhận các chức danh công an xã, thị trấn tại 100% địa bàn, kết quả bước đầu đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ghi nhận, nhân dân đồng tình ủng hộ, tình hình an ninh trật tự có nhiều chuyển biến tích cực. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đều có các mô hình điển hình tiên tiến về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở với hàng nghìn tên gọi khác nhau nhưng đều có nội hàm giống nhau theo hướng tự giác, tự phát, tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở, có tính xã hội hóa cao, được nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng tham gia và đem lại hiệu quả thiết thực, như các mô hình: "Xứ đạo bình yên", "Liên kết vùng giáp ranh an toàn về an ninh, trật tự", "Khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh, trật tự", "Camera phòng, chống tội phạm", "nhóm Zalo an ninh"; ban (tổ) bảo vệ dân phố, đội dân phòng, tổ hòa giải; dòng họ, tộc họ tự quản về an ninh, trật tự; tổ (nhóm) liên gia tự quản về an ninh, trật tự...
Hằng năm, cứ đến gần tháng 8, nhân dân cả nước đâu đâu cũng rạo rực hướng về kỷ niệm nhiều sự kiện của đất nước, tích cực chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và cũng là ngày thành lập Công an nhân dân, Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Riêng đối với việc tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được thống nhất vào những năm tròn được tổ chức ở cả bốn cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã); những năm khác đều được tổ chức ở cơ sở, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư để đông đảo các tầng lớp nhân dân có điều kiện trực tiếp tham gia.
Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc qua từng năm đã đi vào nền nếp, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân và có sức lan tỏa cao, đã và đang phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; góp phần quan trọng vào việc xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc, tăng "sức đề kháng" trước các luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Từ đó, nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; phòng, chống tội phạm các loại; phòng gian, bảo mật; phòng, chống cháy, nổ, thu hồi vũ khí vật liệu nổ; phòng, chống đại dịch Covid-19 đã và đang tái phát; bài trừ tệ nạn xã hội; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư; giữ gìn trật tự công cộng; trật tự an toàn, giao thông; cứu nạn, cứu hộ; tham gia xây dựng và thực hiện nội quy, quy ước về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường "An toàn về an ninh, trật tự"; tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, các lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh. Từ kết quả của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong 15 năm qua đã có 219 liệt sĩ anh dũng hy sinh, 1.224 thương binh đã để lại một phần xương máu của mình giữa thời bình trong trận chiến tiến công tội phạm, ngoài ra cũng đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu được kịp thời tôn vinh khen thưởng, như: Bộ Công an đã xét tặng 2.863 Cờ thi đua, 16.970 bằng khen, 111.674 kỷ niệm chương "Bảo vệ an ninh Tổ quốc". Ủy ban nhân dân các cấp, giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xét tặng hàng chục nghìn bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
3. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc còn bộc lộ một số hạn chế như: Công tác chỉ đạo, tổ chức ngày hội ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa tổ chức thường xuyên hằng năm; nội dung, hình thức còn đơn điệu, thiếu sáng tạo nên hiệu quả chưa cao, chưa thu hút được đông đảo nhân dân được trực tiếp tham gia. Nguyên nhân của những hạn chế là do một số nơi cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nên chỉ đạo chưa sâu sát việc tổ chức thực hiện; vai trò tham mưu của công an một số đơn vị, địa phương còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể với lực lượng công an có nơi, có lúc chưa đồng bộ, chặt chẽ; lực lượng nòng cốt làm công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc còn thiếu về số lượng; cơ chế, chính sách, kinh phí, phương tiện hoạt động cũng còn có nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra một số kinh nghiệm như:
Một là, có được những kết quả nêu trên, chính là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, sự điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp, sự tham gia đồng hành tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, trong đó lực lượng công an nhân dân, bảo vệ dân phố, dân phòng là nòng cốt và nhất là có sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Hai là, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và việc tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có mối quan hệ biện chứng gắn kết với nhau, ghi nhận, tạo đà và thúc đẩy. Nơi nào có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, sự điều hành quyết liệt của chính quyền, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham mưu đúng, tham mưu trúng, tham mưu kịp thời và thật sự phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt trong phong trào cộng với sự tích cực hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân thì nơi đó phong trào vì an ninh Tổ quốc ắt sẽ thành công, chính trị sẽ ổn định, kinh tế - xã hội sẽ phát triển như mong muốn.
Ba là, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phải được khơi dậy từ tính tự giác, tự phát và tự nguyện từ mỗi người dân trong các giai tầng xã hội. Muốn để cho dân hiểu, dân tin, dân làm theo, dân làm nòng cốt, thì phải làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông và công tác dân vận; nội hàm về công tác dân vận có rất nhiều điểm tương đồng gắn với việc thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của công tác công an, bảo vệ dân phố, dân phòng... Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải được duy trì thường xuyên hằng năm; nội dung cần phong phú, hình thức cần đa dạng, sát với nhu cầu thực tế phát sinh, hợp với ý Ðảng, lòng dân, tránh phô trương hình thức, hướng về cơ sở, huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; hiệu quả thiết thực.
Bốn là, đồng thời cần coi trọng việc phát huy vai trò tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện của lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, phát triển lực lượng trong sạch, vững mạnh; có cơ chế, chính sách, đầu tư kinh phí, phương tiện hoạt động, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong mọi lúc, mọi nơi và trong mọi tình huống.
4. Dự báo về tình hình thế giới và khu vực trong thời gian tới và trong những thời gian tiếp theo, về thuận lợi vẫn là cơ bản, nhưng tiếp tục có thể có những diễn biến và hậu quả tác hại khó lường; thời cơ và thách thức cũng đan xen; đối tác và đối tượng, lúc ẩn, lúc hiện, cũng khó về nhận biết; hậu quả tác hại của sự xung đột cạnh tranh giữa các nước lớn trên thế giới và sự tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Ðông; sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường và về tốc độ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như hậu quả của đại dịch Covid-19 đã và đang tái phát cũng mang nhiều tiềm ẩn. Trong khi đó các thế lực thù địch vẫn chưa hề từ bỏ âm mưu "diễn biến hòa bình" bạo loạn, lật đổ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng và chế độ XHCN ở nước ta với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, đa dạng, thâm độc và xảo quyệt; hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội cũng có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn về hành vi, mức độ và hậu quả; đời sống và việc làm của công nhân, viên chức, người lao động, trật tự, kỷ cương trên nhiều lĩnh vực vẫn là những vấn đề bức xúc nổi lên cần phải được quan tâm.
Chính vì vậy, vấn đề đặt ra đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và việc tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thời gian tới càng phải được thường xuyên coi trọng cả về nội dung, hình thức và chất lượng; các cấp ủy đảng cần quan tâm chỉ đạo, chính quyền các cấp cần quan tâm điều hành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị cần tích cực tham gia vào cuộc, các giai tầng xã hội cần tích cực hưởng ứng tham gia ủng hộ, lực lượng công an các cấp và bảo vệ dân phố, dân phòng sẵn sàng chủ động với vai trò là nòng cốt. Nội dung tiếp tục thực hiện cần bám sát vào tinh thần Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng "Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với Phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc trong tình hình mới"; Quyết định số 521/2005/QÐ-TTg, ngày 13-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Hướng dẫn số 05/HD-BCA-V05, ngày 26-5-2020 của Bộ Công an về việc tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22-1-2019 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng (khóa XII) về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
Ðồng thời cần tiếp tục phát huy hơn nữa về những thành quả của phong trào 15 năm qua, những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn trong quá trình thực hiện, những bất cập cần khắc phục trong thời gian tới và trong những thời gian tiếp theo. Ngoài ra cần lưu ý thêm đến việc tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; ý thức cảnh giác, tính tự giác, tự nguyện, tự phòng, tự giải quyết; thường xuyên tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, những kinh nghiệm hay, những việc làm sáng tạo; nâng cao chất lượng phong trào ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội của các cơ quan thực thi công vụ; nội dung của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải được gắn kết, lồng ghép một cách linh hoạt, sáng tạo với các nội dung phong trào, cuộc vận động khác ở địa phương, cơ sở có nét tương đồng liên quan, nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng, lan tỏa. Mặt khác cần tích cực chăm lo kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở gắn với chăm lo kiện toàn lực lượng công an, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đủ mạnh; đồng thời phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể, trưởng thôn, trưởng xóm, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ để làm điểm tựa nòng cốt cho phong trào thật sự nhân ra diện rộng, đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Thiếu tướng, PGS, TS Trần Quốc Tỏ Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Bộ Công an