Đây là sự kiện hằng năm do Hội đồng châu Âu và do nhóm Viện văn hóa các quốc gia châu Âu (EUNIC) sáng lập và tổ chức. Sự kiện này là cơ hội đặc biệt cho giáo viên, học sinh, sinh viên tại các trường học và đại học cũng như công chúng được tiếp cận và hiểu biết thêm về sự đa dạng ngôn ngữ của châu Âu.
Chủ đề chính năm nay là Đa ngôn ngữ ở các trường học Việt Nam. Sẽ có bảy thành viên của mạng lưới các viện văn hóa quốc gia Liên minh châu Âu tham gia sự kiện, bao gồm Hội đồng Anh, Viện Goethe, Đại sứ quán Ba Lan, Aula Cervantes, Viện Pháp, Đại sứ quán Italia và Phái đoàn Wallonie – Bruxelles.
Ông Michael Flucht, trưởng phòng ngôn ngữ, Viện phó Viện Goethe đánh giá rất cao tầm quan trọng cũng như những lợi ích của việc biết thêm ít nhất là một ngoại ngữ đối với các em học sinh, sinh viên, đặc biệt là với các quan hệ quốc tế trong tương lai.
Đánh giá về việc tăng cường dạy thêm một ngoại ngữ thứ hai trong trường học (bên cạnh tiếng Anh), các chuyên gia thuộc nhóm EUNIC nhất trí rằng đây là hướng đi rất tích cực đối với nền giáo dục của Việt Nam, vì nhờ đó thế hệ trẻ được chuẩn bị và có khả năng cạnh tranh khi tiếp cận với thế giới toàn cầu hóa, mặt khác việc học ngoại ngữ còn giúp kết nối con người với con người và nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau của các nền văn hóa khác nhau.
Với sáu ngôn ngữ Đức, Pháp, Anh, Ý, Ba Lan và Tây Ban Nha, đây thực sự sẽ là một ngày hội đầy hứa hẹn với nhiều trải nghiệm, khám phá về sự phong phú của ngôn ngữ châu Âu đối với người tham gia. Hình ảnh về sự đa dạng ngôn ngữ châu Âu cũng sẽ được trình bày qua các ấn phẩm tranh cổ động, sách, tập san được giới thiệu trong ngày hội.
Các hoạt động trong Ngày ngôn ngữ châu Âu bao gồm chiếu phim, thuyết trình, các lớp học thị phạm khuyến khích mọi người nói thử một trong sáu ngôn ngữ của các nước tham gia. Các hoạt động này có sự tham gia của nhiều chuyên gia Anh, Pháp, Bỉ, Wallonie & Bruxelles.