Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giúp gắn kết cộng đồng

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là dịp ôn lại truyền thống đoàn kết, mà còn là dịp để gắn kết tình cảm cộng đồng tại các tổ dân phố, thôn làng.
0:00 / 0:00
0:00
Tôn vinh các gia đình có nhiều đóng góp trong phong trào thi đua yêu nước tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.
Tôn vinh các gia đình có nhiều đóng góp trong phong trào thi đua yêu nước tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Đặc biệt, nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp thường gắn tổ chức Ngày hội với các hoạt động cụ thể, như xây dựng các công trình dân sinh, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng có ý nghĩa với cộng đồng.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là dịp ôn lại truyền thống đoàn kết, mà còn là dịp để gắn kết tình cảm cộng đồng tại các tổ dân phố, thôn làng. Đặc biệt, nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp thường gắn tổ chức Ngày hội với các hoạt động cụ thể, như xây dựng các công trình dân sinh, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng có ý nghĩa với cộng đồng.

NGƯỜI dân khu dân cư Kim Quan (trước đây là thôn Kim Quan, phường Việt Hưng, quận Long Biên) vừa tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Sau khi ôn lại truyền thống của MTTQ Việt Nam, những thành tựu sau 20 năm thành lập quận Long Biên (tháng 11/2003-tháng 11/2023), nhân dân khu dân cư Kim Quan đã trình diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thể thao. Nổi bật là màn trình diễn áo dài của chị em phụ nữ, các tiết mục dân vũ sôi động hay tiết mục đồng diễn dưỡng sinh…,Ngày hội kết thúc bằng “Bữa cơm đại đoàn kết”

. Sáng kiến tổ chức bữa cơm đại đoàn kết được đông đảo cộng đồng dân cư hưởng ứng bởi nó tạo cơ hội để mọi người cùng giao lưu, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Không chỉ có cụm dân cư Kim Quan, mà toàn bộ 13 tổ dân phố trên địa bàn phường Việt Hưng đều tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó, có bữa cơm đại đoàn kết.

Tại các tổ dân phố trên địa bàn quận Ba Đình, nhân dân phấn khởi khi tham gia các hoạt động của Ngày hội. Trưởng ban Công tác Mặt trận số 6, phường Quán Thánh (quận Ba Đình) Phạm Thị Hồng Sim cho biết: “Ngày hội Đại đoàn kết tại địa bàn dân cư chúng tôi luôn được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, động viên các tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Tại khu vực ngoại thành, không khí Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cũng sôi nổi không kém. Nhân dân thôn Việt Yên (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) phấn khởi đón Ngày hội trong bối cảnh thôn, xã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thôn Việt Yên có 723 hộ gia đình, là nơi vừa có đồng bào không đạo và đồng bào theo đạo Công giáo sinh sống. Tuy khác nhau về tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng thôn Việt Yên tự hào về truyền thống đoàn kết.

Nhân dân vừa làm nông nghiệp, vừa phát triển ngành nghề xây dựng, kinh doanh, dịch vụ, thương mại. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 65 triệu đồng/người/năm. Chào mừng Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân trong thôn đã đóng góp 150 triệu đồng để xây dựng thêm 800 m2 đường bê-tông… Sau khi ôn lại những thành tựu của công tác đoàn kết toàn dân, người dân thôn Việt Yên hòa mình vào không khí lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao.

Sau 20 năm triển khai, đến nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức tại các khu dân cư trên địa bàn Hà Nội vào ngày 18/11 hằng năm đã trở thành nét đẹp văn hóa, tạo không khí đoàn kết, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. Để Ngày hội thật sự có ý nghĩa, ngoài các hoạt động kỷ niệm, giao lưu văn hóa, thể thao… các địa phương đều tổ chức các hoạt động thiết thực.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ thành phố, chưa tính những Ngày hội Đại đoàn kết năm nay, sau 20 năm tổ chức Ngày hội có 4.385 công trình dân sinh được xây dựng, 5.878 nhà Đại đoàn kết được trao tặng và 23 nghìn lượt khu dân cư tổ chức bữa cơm Đại đoàn kết trong dịp tổ chức Ngày hội. Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết:

“Thực tế cho thấy, nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã tích cực tham gia Ngày hội ở khu dân cư, qua đó, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với nhân dân. Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những điểm sáng công tác Mặt trận Thủ đô giai đoạn 2003 - 2023”.

Từ việc tổ chức thành công Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, sự gắn kết của các cộng đồng dân cư được tăng cường, phong trào thi đua yêu nước được phát huy, sức mạnh cộng đồng, sức mạnh đoàn kết được tăng lên. Đó là nền tảng để Hà Nội thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động nói riêng, cũng như phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Nổi bật trong đó là cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đến nay, 100% các huyện của Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bốn huyện đã đạt điều kiện để công nhận nông thôn mới nâng cao gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng. Nhân dân tích cực ủng hộ các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Cứu trợ”, “Vì biển, đảo Việt Nam”, Quỹ “Vì người nghèo”…

Năm nay, kỷ niệm 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ngoài tổ chức tại các khu dân cư, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp thành phố tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) với nhiều hoạt động phong phú.

Trong dịp này, MTTQ thành phố sẽ phát động đợt thi đua cao điểm hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm giải phóng Thủ đô, chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029 và biểu dương các mô hình tiêu biểu về tự quản ở khu dân cư trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.