Hôm qua, nội dung cờ tiêu chuẩn của môn cờ vua đã kết thúc nội dung thi đấu. Các vận động viên (VĐV) Việt Nam giành 5 HCB. Kỳ thủ Lê Văn Việt giành HCB nội dung V1-B1 (giành cho VĐV không nhìn thấy ánh sáng) sau khi giành được 5,5 điểm, HCV ở nội dung này thuộc về VĐV của Indonesia với 6,5 điểm. Kỳ thủ Lê Thị Hương giành HCB hạng V1-B1 nữ với 4 điểm, trong khi vô địch là VĐV của Iran với 6 điểm. Ngoài ra, các kỳ thủ Việt Nam còn giành 3 HCB ở các nội dung đồng đội: V1-B1 nam (Lê Văn Việt, Đinh Tuấn Sơn, Đào Tuấn Kiệt), V1-B1 nữ (Phạm Thị Hương, Đào Thị Lệ Xuân, Trần Ngọc Loan), P1 nữ- VĐV khuyết tật về vận động (Đoàn Thu Huyền, Nguyễn Thị Kiều, Trần Thị Bích Thủy). Bên cạnh đó, là HCĐ đơn nữ của Đoàn Huyền Thu (hạng P1) cùng HCĐ đồng đội nữ (hạng V1-B1). Riêng trong nội dung này, đoàn Indonesia đã giành 7 HCV, đoàn Philippines giành 3 HCV. Hôm nay các kỳ thủ Việt Nam sẽ bước vào thi đấu các nội dung cờ nhanh. VĐV Hà Văn Hiệp của Việt Nam giành thêm 1 HCĐ ở môn bơi lội. Anh về đích thứ ba ở nội dung 50m bơi ngửa nam hạng S4 với thành tích 57 giây 09.
VĐV Tan Yujiao (giữa) lập kỷ lục thế giới mới ở môn cử tạ hạng dưới 67kg nữ. (Ảnh XINHUA) |
* Môn điền kinh tiếp tục thi đấu 26 nội dung chung kết trong ngày 26/10, đoàn chủ nhà Trung Quốc giành 12 HCV. Nổi bật là VĐV Wen Xiaoyan phá kỷ lục thế giới 100m nữ hạng T37. Hàng loạt VĐV Trung Quốc khác đã phá kỷ lục đại hội như: Qian Zao (đẩy tạ nữ hạng F33), Lan Hanyu (100m nữ hạng T34), Zhou Xia (100m nữ hạng T35), Hu Yang (800m nam hạng T54), Zhu Dening (100m nam hạng T38), Zou Lijuan (đẩy tạ nữ hạng F34), Tian Yajuan (800m nữ hạng T54), Zhu Dening (nhảy xa nam hạng T37/38). Đoàn Nhật Bản cũng giành thêm 3 HCV, trong đó có kỷ lục đại hội của VĐV Sakai Sosomi (nhảy xa nữ hạng T20), Oshima Kengo phá cả kỷ lục châu Á và kỷ lục đại hội (100m nam hạng T64). Indonesia là nước Đông Nam Á duy nhất giành được HCV môn điền kinh. Ấn tượng nhất là kỷ lục thế giới của nữ VĐV Karisma Evi ở nội dung 100m nữ hạng T42, song đáng tiếc hạng thương tật này không có trong chương trình đại hội, cho nên VĐV của Indonesia chỉ giành HCB tính theo hạng thi đấu là T63/64; trong khi VĐV Purnomo Saptoyogo của Indonesia phá kỷ lục đại hội để giành HCV ở nội dung 100m nam hạng T37. Cũng trong môn điền kinh, VĐV Haider Ali đã đoạt HCV đầu tiên cho Pakistan khi vô địch nội dung ném đĩa nam, nâng tổng số HCV mà họ có lên con số 5 và riêng Haider Ali đã mang về 4 HCV. Dastan Mukashbekov cũng giành HCV điền kinh đầu tiên tại Đại hội cho Kazakhstan khi chiến thắng ở hạng mục bắn đẩy F36 nam.
* Các VĐV Trung Quốc hôm qua giành 3/4 HCV ở môn cử tạ. Xuất sắc nhất là VĐV Tan Yujiao khi thiết lập kỷ lục thế giới mới với thành tích 141 kg ở hạng dưới 67 kg nữ. Thành công ở cả 4 lần đẩy, thành tích tốt nhất là 148 kg, VĐV Han Miaoyu đã phá cả kỷ lục châu Á và kỷ lục đại hội ở hạng dưới 79 kg nữ. VĐV Xu Lili giành HCV ở hạng dưới 73 kg nữ với kỷ lục đại hội 135 kg, đáng tiếc VĐV này không thành công ở mức tạ 139 kg để phá kỷ lục châu Á. VĐV người Jordan là Khattab đang giữ kỷ lục thế giới không khó khăn để giành HCV, nhưng không thành công khi cố gắng phá kỷ lục thế giới của chính mình ở mức tạ 252 kg (kỷ lục do anh đang giữ là 251 kg).
* Với quyết định cho phép tới năm VĐV của một quốc gia được tham gia thi đấu ở mỗi nội dung tại đại hội đã giúp đoàn chủ nhà Trung Quốc giành thắng lợi vượt trội ở môn bơi lội, thậm chí giành toàn bộ huy chương ở 6 nội dung trong số 18 nội dung được tổ chức ngày 26/10. Thực tế, các VĐV Trung Quốc với sự chuẩn bị kỹ càng đã phá rất nhiều kỷ lục đại hội, trong đó có những kỷ lục ấn tượng như của VĐV Cai Liwen ở nội dung 200m hỗn hợp nữ hạng SM11, hay của VĐV Chen Yi ở nội dung 100m ngửa nữ hạng S10…
* Ở môn bắn cung, Hàn Quốc lần lượt giành HCV, HCB ở nội dung W1 đồng đội hỗn hợp và nội dung W1 đồng đội đôi nam. Đây là những huy chương đầu tiên môn bắn cung tại Asian Para Games 4 mà Hàn Quốc có được, cho dù họ vốn rất mạnh ở bộ môn này. Trong ba kỳ Á vận hội trước đó, Hàn Quốc đã giành được tổng cộng 22 huy chương bắn cung. Ấn Độ cũng đoạt HCV ở nội dung bắn cung đồng đội hỗn hợp và cũng là HCV thứ hai của họ trong lịch sử Asian Para Games.
* Trong môn xe đạp, đoàn Indonesia đã có 1 HCV ở nội dung chạy thử tính giờ hạng C4-5 của nam và nội dung chạy tính giờ hạng B của nữ, đánh dấu HCV môn đua xe đạp đường trường đầu tiên tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á. Ở môn quần vợt xe lăn, một đại diện của Đông Nam Á là Malaysia cũng đoạt 1 HCB ở nội dung đôi nam và là huy chương đầu tiên của họ ở Á vận hội người khuyết tật.