Tính đến 18 giờ ngày 19-9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca.
Tại Việt Nam, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 30.163 người.
Chiều nay, có thêm BN604 được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến Hoà Vang, nâng tổng số ca khỏi bệnh tại Việt Nam lên 942/1.068.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 14 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là ba ca, số ca âm tính lần 3 là 22 ca.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có một trường hợp phải thở ô-xy hỗ trợ, và một trường hợp nặng thở máy xâm nhập.
Việt Nam đã có tròn 17 ngày không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng. Hiện nay, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu như vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người…
Trong thời gian tới có thể vẫn sẽ ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, rút kinh nghiệm từ Đà Nẵng, việc kiểm tra phòng chống dịch tại các cơ sở y tế là rất quan trọng. Do đó, Bộ Y tế cần tiếp tục hoàn thiện các phác đồ điều trị, nghiên cứu phát triển vaccine, tập trung hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia có kết quả thử nghiệm lâm sàng với vaccine phòng Covid-19.
Lúc này các hoạt động trở lại khá bình thường, vấn đề đề cao cảnh giác, không để dịch quay trở lại là điều rất quan trọng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp dự phòng các bệnh truyền nhiễm, tránh tình trạng dịch chồng dịch, đặc biệt là Covid-19.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý, đặc biệt các khách sạn, cơ sở lưu trú, các nhà máy, các xí nghiệp, khu công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mạnh mẽ mục tiêu kép, không được để đình trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế.