Những kết quả ban đầu
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Anh cho biết: Trong ba năm qua, ngành y tế tỉnh đã chủ động đổi mới công tác quản lý, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân; các cơ sở y tế đã tiếp nhận hàng trăm kỹ thuật mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại phục vụ hiệu quả trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ người bệnh chuyển lên tuyến trên, giảm chi phí khám, chữa bệnh và mang lại sự hài lòng cho người bệnh.
Tỉnh Hưng Yên có mạng lưới y tế từ tỉnh đến xã khá hoàn thiện, tuyến tỉnh có hai bệnh viện đa khoa, sáu bệnh viện chuyên khoa, bốn trung tâm, hai chi cục; tuyến huyện có 10 trung tâm y tế và 155 trạm y tế xã, phường, thị trấn với tổng số cán bộ, nhân viên y tế toàn ngành hơn 4.000 người. Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngành y tế tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trong nhân dân theo phương châm “chủ động thực hiện các biện pháp tự phòng, chống dịch, chủ động giám sát dịch tễ, thực hiện dự phòng tích cực, không để dịch bệnh lớn xảy ra”... Ðội ngũ làm công tác dự phòng chủ động bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch; một số bệnh nguy hiểm được khống chế, không phát tán mầm bệnh. Trong đó, tích cực triển khai các hoạt động giám sát và phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… không để xảy ra ổ dịch trong nhà trường và cộng đồng. Triển khai các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh tại cộng đồng và trong bệnh viện; làm tốt công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện cải tiến chất lượng bệnh viện; đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình hoạt động, được tiến hành thường xuyên, liên tục. Các bệnh viện xây dựng kế hoạch, chương trình cải tiến chất lượng theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện; có các biện pháp bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế, giải quyết tốt các sự cố y khoa, xác định những vấn đề ưu tiên trong cải tiến chất lượng phù hợp thực tế từng bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh. Ðồng thời, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực theo hướng tiêu chuẩn hóa đối với cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến huyện, xã. Tập trung đào tạo bác sĩ chuyên khoa sâu cho các đầu ngành ở tuyến tỉnh. Cán bộ phụ trách chuyên môn y tế các khoa, phòng chuyên môn của các đơn vị y tế tuyến tỉnh phải có trình độ sau đại học. Tăng cường đào tạo chuẩn hóa cán bộ y tế cả về chuyên môn, tổ chức, quản lý y tế, quản lý kinh tế y tế, lý luận chính trị cho các tuyến. Các đơn vị thường xuyên rà soát nhu cầu chuyển giao kỹ thuật, thực hiện tốt việc tiếp nhận, triển khai thực hiện các kỹ thuật được cán bộ luân phiên của bệnh viện tuyến trên chuyển giao. Thực hiện tốt việc phân tuyến kỹ thuật theo tuyến điều trị và chú trọng mở rộng dịch vụ kỹ thuật y tế, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ở nơi gần nhất.
Tăng cường mở rộng hợp tác, triển khai nhiều hình thức đào tạo cán bộ y tế như: đào tạo cử tuyển, đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ... đáp ứng phần nào nhu cầu nhân lực của ngành. Một số bệnh viện tuyến tỉnh đang thực hiện bệnh viện vệ tinh cho bệnh viện tuyến trung ương như: Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Việt Ðức; Bệnh viện đa khoa Phố Nối là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Sản nhi là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Phụ sản T.Ư... Các cơ sở y tế tổ chức tiếp nhận, triển khai và phát huy hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Ðiển hình, dự án Norred đã được triển khai ở sáu cơ sở y tế; trong đó ba bệnh viện tuyến tỉnh và ba trung tâm y tế huyện. Dự án đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng thời hỗ trợ đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ trung ương xuống tỉnh cho các cán bộ y tế được chuyển giao hàng trăm kỹ thuật mới, nâng trình độ chuyên môn y, bác sĩ.
Ðể đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh theo Quyết định số 2151/QÐ-BYT ngày 4-6-2015 của Bộ trưởng Y tế, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã xây dựng và triển khai kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp” hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai mô hình “Dân vận khéo trong thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn ngành. Các đơn vị trực thuộc đã tập trung chấn chỉnh lề lối làm việc, nhất là việc hướng dẫn người bệnh đến khám, làm cận lâm sàng, làm thủ tục vào viện, thanh toán ra viện thuận tiện... góp phần nâng cao nhận thức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh; tạo điều kiện thuận lợi để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế.
Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên Hoàng Văn Chung cho biết, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 4-10-2016 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa 18 được triển khai sâu, rộng trong toàn ngành y tế tỉnh đã tạo động lực đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng những việc làm cụ thể: Thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế đã chuyển biến tích cực, các khoa, phòng thực hiện tốt khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo” đã mang lại sự hài lòng cho người bệnh. Công tác đào tạo và đào tạo lại được chú trọng bằng nhiều hình thức; gửi cán bộ lên tuyến trung ương học tập, mời các chuyên gia đầu ngành về giảng dạy và chuyển giao các kỹ thuật chuyên môn, đào tạo tại chỗ, cầm tay chỉ việc, điểm bệnh, hội chẩn đầu giường. Nhiều trang thiết bị mới hiện đại được lắp đặt đưa vào sử dụng: hệ thống MRI 1.5 & 0.3, CT-64 dãy, CT 16 dãy, X-quang kỹ thuật số, siêu âm mầu 3D-4D, siêu âm đầu dò, máy xét nghiệm huyết học và sinh hóa laser tự động, tủ bảo quản máu và chế phẩm máu, kính hiển vi chụp ảnh, máy cắt lát vi thể hoàn toàn tự động, hệ thống nội soi mềm có thể kết hợp vừa chẩn đoán vừa điều trị...; nhiều kỹ thuật mới được triển khai thực hiện, cùng với khả năng sử dụng vận hành và khả năng chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc đã cấp cứu, điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, khó, khẩn cấp, không để xảy ra tai biến, sai sót lớn trong chuyên môn; chất lượng chẩn đoán, cấp cứu, điều trị và chăm sóc người bệnh từng bước được cải thiện, phạm vi cấp cứu, điều trị được mở rộng, chuyên môn kỹ thuật từng bước được chuyên sâu, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên, mang lại niềm tin cho người bệnh. Hiện nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên đang phát triển khu xạ trị điều trị ung thư, thực hiện kỹ thuật mới về can thiệp mạch như mổ tim, ấn nút động mạch gan trong điều trị ung thư gan...
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Nghị quyết số 10-NQ/TU xác định, đến năm 2020: 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tuổi thọ bình quân của người dân trong tỉnh đạt 75 tuổi, tỷ lệ tăng dân số dưới 1%; 10.000 dân có 28 giường bệnh, chín bác sĩ, hai dược sĩ; 100% số xã có bác sĩ; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 90%; 100% rác thải y tế xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường…
Ðể thực hiện mục tiêu này, theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Anh, ngành y tế tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ: Ðẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp tự phòng, chống dịch; chủ động giám sát dịch tễ, thực hiện dự phòng tích cực; phối hợp liên ngành trong phòng, chống dịch bệnh. Triển khai tốt, có hiệu quả các chương trình mục tiêu thuộc lĩnh vực y tế - dân số. Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, kết hợp phát triển dịch vụ khám, chữa bệnh phổ cập với phát triển kỹ thuật cao, y tế chuyên sâu, giữa y tế công lập và y tế ngoài công lập. Thực hiện tốt việc phân tuyến kỹ thuật theo hướng hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn theo tuyến điều trị và chú trọng mở rộng dịch vụ kỹ thuật y tế, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cao ở nơi gần nhất. Thực hiện tốt việc quản lý các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm tắc phế quản mãn tính, hen phế quản. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 06/2007/CT-BYT, ngày 7-12-2007 của Bộ Y tế về việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ðặc biệt lưu ý khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật đắt tiền, gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh và cho quỹ bảo hiểm y tế. Tiếp tục chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của thầy thuốc, nhân viên y tế, kịp thời giải quyết những tình huống cấp cứu khẩn cấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Triển khai và duy trì thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 09/CT-BYT ngày 22-11-2013 của Bộ Y tế. Tích cực cử cán bộ tham dự các khóa đào tạo của dự án Norred, Ðề án 1816; tổ chức tiếp nhận pha 2 và pha 3 từ các bệnh viện tuyến trên; tổ chức đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến tỉnh cho các trung tâm y tế tuyến huyện. Tiếp tục triển khai chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền, đẩy mạnh phát triển đông dược và dược liệu, nâng cao năng lực điều trị của Bệnh viện Y học cổ truyền và khoa y học cổ truyền của các bệnh viện và trung tâm y tế huyện. Tiếp tục củng cố mạng lưới dân số - kế hoạch hóa gia đình; thực hiện tốt chương trình mục tiêu dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm duy trì mức độ tăng dân số tự nhiên dưới 1%/năm. Thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính ngành y tế; giao quyền tự chủ và đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo lộ trình quy định tại Nghị định số 85/NÐ-CP của Chính phủ; từng bước chuyển cơ chế hỗ trợ ngân sách cho các đơn vị y tế sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.
Phối hợp cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức thực hiện kế hoạch thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT), bảo đảm đến năm 2020 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 90,50% số dân. Tranh thủ các nguồn tài trợ để nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT; tăng diện bao phủ BHYT về chiều rộng, tiếp tục nâng cao quyền lợi một cách hợp lý và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế cho đối tượng có thẻ BHYT. Cải cách thủ tục hành chính trong công tác khám, chữa bệnh BHYT tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẻ BHYT trong quá trình sử dụng dịch vụ. Từng bước đưa dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT về trạm y tế xã. Kiện toàn và sắp xếp lại mạng lưới cung ứng thuốc và vắc-xin bao gồm cả khu vực nhà nước và tư nhân, nhằm tăng khả năng tiếp cận của người sử dụng cung ứng đủ thuốc cho cộng đồng, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Nâng cao ý thức, vai trò và trách nhiệm các cấp ủy Ðảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức xã hội, cộng đồng và mỗi người dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ðưa các mục tiêu và nhiệm vụ trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng địa phương. Ðẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa một cách hợp lý, phát triển y tế tư nhân, ưu tiên phát triển các bệnh viện tư, tăng cường quản lý chất lượng và giá dịch vụ y tế tư nhân. Ðẩy mạnh phối hợp y tế công và y tế tư nhân để phục vụ cho mục tiêu chung vì sức khỏe nhân dân. Tăng cường công tác truyền thông về quản lý môi trường y tế. Tiếp tục đầu tư xây mới công trình hệ thống xử lý nước thải và duy tu bảo dưỡng các công trình đã xuống cấp để bảo vệ môi trường…