Giá sắt thép giảm, thách thức song hành cơ hội
Giá sắt thép trên thế giới đang có xu hướng chững lại sau đà phục hồi nhẹ từ đầu tháng 6. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên 25/7, giá sắt niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore (SGX) tăng 1,94% lên mức 114,81 USD/tấn. Nhìn chung, giá sắt duy trì trong vùng đi ngang từ 110-115 USD/tấn trong khoảng 1 tuần gần đây, và thấp hơn khoảng 13% so mức đỉnh trong năm nay thiết lập vào tháng 3.
Giá thanh cốt thép tại Trung Quốc cũng giảm khoảng 17% xuống còn 3.766 nhân dân tệ/tấn, từ mức đỉnh tháng 3.
Áp lực kép từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sức tiêu thụ hạn chế tại Trung Quốc trong bối cảnh bất động sản còn gặp khó đã khiến giá sắt thép thế giới thiếu vắng động lực bứt phá.
Theo đà giảm của giá sắt thép trên thế giới, giá thép xây dựng của Việt Nam cũng đã trải qua 14 lần điều chỉnh giảm liên tiếp trong năm nay. Tính đến ngày 21/7, giá thép về quanh mốc 14 triệu đồng một tấn, hiện đang ở vùng giá thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Bất động sản trong nước vẫn trầm lắng, các dự án dân dụng khởi công ít, chưa tạo đủ cú hích cho thị trường, khiến tăng trưởng trong ngành sắt thép còn nhiều trở ngại và gây áp lực tới giá. Theo Hiệp hội Sắt thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép các loại đạt 2,161 triệu tấn trong tháng 6, giảm 6,41% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ 2022.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, đánh giá: “Theo chiều hướng tích cực, việc sắt thép duy trì ở mặt bằng giá thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng nâng cao biên lợi nhuận trước thuế, đồng thời tích lũy hàng tồn kho giá rẻ trước khi bước sang mùa tiêu thụ cao điểm hơn, dự báo sẽ vào giai đoạn cuối năm”.
Vật liệu xây dựng đón sóng đầu tư hạ tầng giao thông
Trong nhóm vật liệu xây dựng, nhu cầu sắt thép đang có phần yếu thế hơn khi ngành bất động sản phục hồi chậm, do có khoảng 60% lượng sắt thép được tiêu thụ cho lĩnh vực này.
Tuy nhiên, lực kéo từ nhu cầu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đang là điểm sáng của các vật liệu xây dựng khác như cát, đá, xi-măng, nhựa đường với hàng loạt dự án trọng điểm đã được khởi công trong 6 tháng đầu năm.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tổng số đường cao tốc nước ta đang khai thác hiện đã lên tới con số 1.729km. Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành 4 dự án cao tốc với tổng chiều dài 123 km, tăng tổng số đường cao tốc lên 1.852 km
Trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu hoàn thành khoảng 1.800km, nâng tổng số đường cao tốc tới năm 2025 đạt khoảng 3.000km, với nguồn vốn đầu tư dự kiến khoảng 390.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tầm nhìn giai đoạn 2026-2030, nước ta phấn đấu hoàn thành thêm khoảng 2.000km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 5.000km, với nguồn vốn khoảng 510 nghìn tỷ đồng.
Các vật liệu xây dựng được hưởng lợi nhiều nhất bao gồm cát, đá, nhựa đường,… Trong khi nhu cầu về sắt thép, xi-măng dự kiến cũng sẽ dần thoát khỏi bức tranh ảm đạm.
Theo Cục Kinh tế xây dựng, giá cát trong 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng, với mức tăng bình quân 1,52%/tháng do nhu cầu xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực thi công đường gia tăng, trong khi nguồn cung tương đối khan hiếm.
Giá đá xây dựng cũng có xu hướng tăng nhẹ và giữ mức ổn định qua từng quý, với mức trung bình quý II tăng 2,7% so quý I.
Giá xi-măng cơ bản được giữ ổn định do khả năng cung cấp và sản xuất luôn đáp ứng được nhu cầu thi công xây dựng và xuất khẩu.
Trong quý II/2023, giá nhựa đường trung bình đạt khoảng 16.170 đồng/kg, giảm 10,8% so quý I/2023 và giảm 8,2% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nhựa đường thuộc loại mặt hàng nhập khẩu nên phụ thuộc vào ngoại tệ, xăng dầu giảm và chi phí vận chuyển giảm.
Tuy nhiên, rủi ro giá dầu gia tăng trong bối cảnh nguồn cung thu hẹp trên thế giới cũng có thể ảnh hưởng tới giá nhựa đường trong thời gian tới, nhất là khi các công trình giao thông được đẩy mạnh hơn.
Kỳ vọng dần vượt qua thách thức
Đánh giá về thị trường vật liệu xây dựng nửa cuối năm 2023, ông Phạm Quang Anh cho biết: “Quý III thường là thời điểm vướng vào mùa mưa bão, là mùa xây dựng thấp điểm với ít công trình được khởi công hơn và một số công trình trì hoãn thi công, nên nhu cầu vật liệu xây dựng vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, triển vọng ngành được kỳ vọng sẽ sáng cửa vào giai đoạn cuối năm khi mùa xây dựng cao điểm quay trở lại và các đơn vị gấp rút đẩy nhanh tiến độ dự án, đặc biệt là điểm sáng về đầu tư hạ tầng giao thông, đầu tư công và nhà ở xã hội được đẩy mạnh”.
Chính phủ hiện đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tăng cường triển khai các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, dự án vành đai 4 Hà Nội hay vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này sẽ đem lại hy vọng tích cực cho tiêu thụ vật liệu xây dựng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành thoát khỏi khó khăn.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân trong 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 28,63% kế hoạch, cao hơn mức 25,68% cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 8%, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước của năm 2023.
Trong bối cảnh bất động sản tư nhân gặp thách thức, việc hướng trọng tâm thúc đẩy cơ sở hạ tầng được xem là bước đi hữu hiệu và có thể đem lại động lực tích cực cho ngành vật liệu xây dựng vào cuối năm.