Carlo Vittorio Ferrari (C.Phe-ra-ri) đang điều hành một trang trại chăn nuôi lợn với khoảng 2.000 con lợn ở khu vực phía bắc Italia. Anh Ferrari đang trải qua những ngày tháng căng thẳng, lo sợ hoạt động kinh doanh của gia đình mình sẽ chịu tổn thất lớn do tình hình xung đột tại Ukraine. Ukraine là một trong những nhà cung cấp chính ngũ cốc để làm thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu.
Tình hình rối ren tại đất nước bên bờ Biển Đen khiến nguồn cung thức ăn chăn nuôi của châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề và đe dọa tương lai của các trang trại ở châu Âu. Hãng Reuters cho biết, nhiều chủ trang trại thậm chí phải tính đến phương án cực đoan là giết bớt gia súc nếu vấn đề về nguồn cung thức ăn chăn nuôi không sớm được giải quyết. Cùng chung nỗi lo lắng với Ferrari, Elisabetta Quaini (Ê.Qua-i-ni), chủ một trang trại gồm 1.300 con bò để lấy thịt và sữa ở miền bắc Italia, chia sẻ với Reuters: “Càng ngày tôi càng nghe thấy nhiều thông tin về việc nông dân buộc phải tiêu hủy gia súc của mình, nhưng tôi luôn muốn tránh điều đó. Tôi quyết tâm tiếp tục bám trụ việc kinh doanh dù rất lo lắng”.
Trước tình hình giá nông sản và nhiên liệu trên toàn cầu tăng mạnh, Bộ Nông nghiệp Pháp nêu rõ, EU không có nguy cơ thiếu lương thực, nhưng tình hình căng thẳng tại Ukraine có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực ở châu Phi hoặc châu Á, bởi vậy, nhiệm vụ của EU ngay lúc này là bảo đảm an ninh lương thực. Nga và Ukraine nằm trong số các nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu ngũ cốc. Xung đột bùng nổ đã khiến giá lúa mì, đậu nành, ngô... tăng vọt.
Mới đây, EU có kế hoạch phân bổ 500 triệu euro để hỗ trợ nông dân và cho phép họ trồng trọt trên đất hoang. Cùng với đó, EU lên kế hoạch áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự gián đoạn thị trường, cho phép sử dụng đất hoang để chăn thả hoặc phát triển cây trồng có protein. Khối này cũng đề xuất một chương trình hỗ trợ nông dân Ukraine trồng ngô, hoa hướng dương, lúa mì, với giá trị khoảng 300 triệu euro.
Thời gian qua, EU đã ban hành nhiều quy định để khuyến khích nông dân châu Âu áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp “xanh”, thân thiện với môi trường. Với mục tiêu tạo động lực cho nông dân chuyển đổi từ mô hình sản xuất có hại cho môi trường sang mô hình canh tác thân thiện với thiên nhiên, chương trình mang tên Chính sách nông nghiệp chung (CAP) của EU đã dành các khoản “tiền thưởng” cho nông dân. Nhiều quốc gia EU nhận định rằng, mỗi nước cần đặt ra những ưu tiên mới cho chương trình CAP, trong đó về cơ bản phải ưu tiên nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực.
Nguy cơ mất an ninh lương thực tiếp tục là một thách thức lớn đối với toàn cầu trong thời gian tới. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, cuộc xung đột tại Ukraine đe dọa phá hủy thành quả của WFP trong suốt nhiều năm qua về bảo đảm lương thực cho khoảng 125 triệu người, do giá lương thực, nhiên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao. Thực trạng này là hồi chuông thúc giục châu Âu cùng những khu vực khác trên thế giới phải xác định phương hướng phát triển mới cho hệ thống nông sản, thực phẩm của mình.