Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhấn mạnh, thế giới đang đứng trước bước ngoặt lịch sử khi kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch dần khép lại, mở ra trang mới của năng lượng tái tạo. Theo đó, năm 2025 sẽ đánh dấu thời điểm năng lượng tái tạo lần đầu vượt than đá, trở thành nguồn cung điện lớn nhất, chiếm tới 35% tổng nguồn cung điện toàn cầu trong năm 2025.
Cùng với cú bứt tốc của năng lượng tái tạo, sự trở lại của điện hạt nhân cũng là sự kiện được trông đợi trong năm nay. Trong khi năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi hàng loạt nước, như Italia, Nhật Bản, Serbia, Indonesia…, quyết định hồi sinh và đẩy mạnh phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhằm giải tỏa “cơn khát” năng lượng, thì năm 2025 được cho là thời điểm quan trọng để các quốc gia hiện thực hóa ý tưởng phục hưng ngành công nghiệp quan trọng này.
Giới chuyên gia nhận định, phát triển năng lượng tái tạo và điện hạt nhân là xu thế tất yếu khi các nước đang tăng tốc để hoàn thành đúng hạn mục tiêu trung hòa carbon, chống biến đổi khí hậu. Báo cáo do World Weather Attribution (WWA), tổ chức chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vừa công bố cho thấy, năm 2024 vừa qua, 29 sự kiện thời tiết khắc nghiệt xảy ra trên toàn thế giới đã khiến hơn 3.700 người chết và ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người.
Trong số đó, có tới 26 sự kiện có mối liên hệ rõ ràng với biến đổi khí hậu. Nhà khoa học Friederike Otto thuộc WWA cảnh báo, nếu thế giới tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tình trạng nêu trên sẽ trở nên tồi tệ hơn. Trong bối cảnh đó, chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch là bước đi tất yếu để hạn chế các thảm họa thiên nhiên.
Ngoài ra, mở rộng nguồn cung năng lượng cũng là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện toàn cầu tiếp tục tăng trong năm 2025, do kinh tế phục hồi, nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và sản xuất công nghiệp tăng.
Theo giới quan sát, sau nhiều năm tập trung vào năng lượng tái tạo, các ông lớn công nghệ đang chuyển sang năng lượng hạt nhân vì nguồn cung hiệu quả và bền vững hơn. Google, Amazon, Microsoft và Meta là những cái tên đình đám trong làng công nghệ đang đi đầu trong nỗ lực đầu tư vào các dự án điện hạt nhân, để đáp ứng nhu cầu năng lượng khổng lồ của các trung tâm dữ liệu và mô hình AI.
Các chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Thời gian qua, nhiều nước đã khẳng định vai trò tiên phong trong nỗ lực này. Tại Mỹ, Chính phủ Tổng thống Joe Biden đã phân bổ hơn 100 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch. Nhật Bản đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo thành nguồn năng lượng lớn nhất, đóng góp 40-50% tổng sản lượng điện vào năm 2040.
Trong khi đó, chỉ trong hai năm qua, Australia đã thực hiện hơn 60 dự án năng lượng tái tạo, từng bước tiến tới mục tiêu biến Xứ sở Chuột túi thành siêu cường về năng lượng xanh… IEA ước tính, với các khoản chi mạnh tay của chính phủ các nước, đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch có thể đạt 2.000 tỷ USD trong năm 2024, gấp đôi mức dành cho nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, nỗ lực chuyển đổi của ngành năng lượng cũng đối mặt một số rào cản. Do phụ thuộc vào môi trường tự nhiên nên năng lượng tái tạo có tính ổn định thấp hơn các nguồn năng lượng truyền thống, trong khi chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Trong khi đó, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cũng đòi hỏi nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại, đầu tư dài hạn và yêu cầu cao về tiêu chuẩn an toàn.
Bất chấp những khó khăn, giới chuyên gia kỳ vọng ngành năng lượng toàn cầu sẽ tận dụng được thời cơ “chín muồi” trong năm 2025 để chuyển mình thành công, qua đó vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa góp phần hiện thực hóa các mục tiêu về khí hậu.