Ngành hàng không trước sóng gió

Dù từng được nhận định đứng trước triển vọng phục hồi tươi sáng sau thời gian dài trì trệ vì dịch Covid-19, ngành hàng không thế giới vẫn đang vật lộn với hàng loạt khó khăn, chủ yếu đến từ nguồn nhân lực. Bài toán thiếu hụt nhân sự, cùng những mâu thuẫn chưa thể hóa giải giữa người lao động và các chủ doanh nghiệp là rào cản lớn kìm hãm đà tăng trưởng của ngành này.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những ngày qua, hoạt động của nhiều sân bay ở Anh, Ðức... bị gián đoạn nghiêm trọng bởi làn sóng đình công của người lao động yêu cầu tăng lương. Tại Ðức, nhân viên ở bốn sân bay lớn gồm Düsseldorf, Köln/Bonn, Stuttgart và Karlsruhe/Baden-Baden tham gia đình công để gây sức ép với giới chủ trong quá trình đàm phán tăng lương. Lực lượng tham gia đình công gồm cả nhân viên an ninh làm nhiệm vụ kiểm soát hành khách, hàng hóa lẫn bộ phận dịch vụ công, khiến các sân bay không thể vận hành bình thường.

Theo thống kê, chỉ trong một ngày, có đến 681 chuyến bay bị hủy và khoảng 89.000 hành khách bị ảnh hưởng bởi các sự kiện này. Còn tại Anh, nhân viên an ninh thuộc sân bay Heathrow ở Luân Ðôn cũng thông báo sẽ đình công trong 10 ngày, bắt đầu từ ngày 31/3 và kết thúc vào ngày 9/4 tới.

Ðiều mấu chốt gây nên sự chia rẽ giữa người lao động và giới chủ là mức lương không theo kịp tốc độ lạm phát. Người lao động cho rằng, với mức lương hiện nay, họ không thể sống nổi khi lạm phát cao dai dẳng, cộng thêm hóa đơn năng lượng cao gấp nhiều lần so với trước kia do ảnh hưởng từ tình hình xung đột ở Ukraine. Các cuộc thảo luận, đàm phán giữa giới công đoàn với các chính phủ hiện chưa tìm được giải pháp. Làn sóng bãi công không chỉ gây tổn thất cho các hãng hàng không mà còn khiến hành khách điêu đứng vì tình trạng chuyến bay bị hủy diễn ra "như cơm bữa".

Khối lượng công việc quá tải, môi trường làm việc hỗn loạn trong thời gian cao điểm... khiến nhiều nhân viên hàng không cảm thấy kiệt quệ sức lực, muốn bỏ việc. Verdi, một trong những tổ chức công đoàn ngành dịch vụ lớn nhất ở Ðức, kêu gọi mức lương cao hơn cho nhân viên làm việc vào ban đêm, cuối tuần, ngày lễ và làm thêm giờ.

Tương tự các nước châu Âu, ngành hàng không của Mỹ cũng đau đầu trước áp lực nhân sự. Giới chức Mỹ kêu gọi Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) tăng cường nhân viên kiểm soát không lưu để đáp ứng nhu cầu hành khách gia tăng. Bộ Giao thông vận tải nước này thông báo đang huy động 117 triệu USD để tuyển dụng thêm 1.800 nhân viên kiểm soát không lưu vào năm 2024. Các hãng hàng không cũng nhấn mạnh những nguy cơ khi thiếu lực lượng này.

Theo giới chuyên gia, những yếu tố rủi ro, bấp bênh của kinh tế vĩ mô cũng ảnh hưởng đến ngành hàng không. Các hãng hàng không đều đối mặt với sự biến động của giá dầu, sự gia tăng về chi phí nhiên liệu, phụ tùng. Chi phí cao phần nào ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân. Mới đây, các sân bay ở nhiều tỉnh, thành phố của Canada đã bắt đầu tiến hành tăng phí dịch vụ. Nguyên nhân là nhiều sân bay ở nước này đang bị mắc nợ do chịu thiệt hại trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành và phải cố gắng bù đắp một phần thua lỗ bằng cách tăng phí dịch vụ đối với hành khách đi máy bay.

Bên cạnh đó, ngành hàng không còn đứng trước áp lực phải thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm tiếng ồn. Tại Hà Lan, hãng hàng không quốc gia KLM và các hãng hàng không khác sử dụng sân bay Schiphol ở Amsterdam đang kiện Chính phủ về kế hoạch giới hạn số lượng chuyến bay mỗi năm. Cụ thể, Chính phủ Hà Lan quyết định sẽ giảm số chuyến bay tại sân bay Schiphol ở mức 440.000 chuyến/năm, từ mức 500.000 chuyến/năm như hiện nay, nhằm ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn và góp phần đáp ứng các mục tiêu về khí hậu. Các hãng hàng không phản đối quyết định nêu trên, cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ cũng như nền kinh tế Hà Lan nói chung.

Ngành hàng không toàn cầu từng được dự đoán khởi sắc rõ rệt vào cuối năm 2023, với nhu cầu đi lại bằng đường không cao hơn mức của năm 2019 khoảng 3%. Thế nhưng, những sóng gió đang bủa vây lĩnh vực này chắc chắn sẽ khiến quá trình phục hồi và tăng trưởng hậu đại dịch Covid-19 trở nên bấp bênh, khó lường hơn.