Điều này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của các doanh nghiệp ngành gỗ mà còn cần sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn từ phía các cơ quan nhà nước.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thách thức ngày càng nhiều hơn so với dự báo. Hoạt động xuất, nhập khẩu trên thị trường thế giới bị cản trở đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm này, xuất khẩu ngành gỗ đã ghi nhận những tín hiệu khả quan.
Khởi sắc trong khó khăn
Ông Võ Thành Nam, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tân Phú Sơn (Cụm công nghiệp thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, Bình Định) cho biết: Từ khoảng giữa năm đến nay, chúng tôi bắt đầu có đơn hàng mới, tuy chỉ bằng một nửa so trước đây, nhưng là điều rất phấn khởi.
Đáng chú ý, những tháng gần đây hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ đang có xu hướng phục hồi tích cực. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ tại Bình Định đã được đối tác ký kết các đơn hàng mới, phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Đây là những tín hiệu tốt bởi nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tăng trở lại đã khiến sự tăng trưởng của ngành ở các tháng sau vượt trội hơn tháng trước.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã và đang mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp gỗ trong nước. Thí dụ như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội “kép” cho ngành gỗ Việt Nam, làm gia tăng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ những nguồn cung gỗ với thuế quan ưu đãi. Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất thường có xu hướng tăng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đón nhận đơn hàng trong những tháng tới.
Mặc dù đã có những dấu hiệu khả quan nhưng ngành gỗ vẫn đang phải đối diện những thách thức ngày càng tăng. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ và thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị ngành ngân hàng triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay…
Liên quan các gói tín dụng ưu đãi, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành ngân hàng thúc đẩy gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản. Tuy nhiên, việc triển khai giải ngân gói tín dụng này đến nay gặp rất nhiều bất cập.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết, thị trường gỗ Bình Định luôn có sự tăng trưởng liên tục qua các giai đoạn từ khoảng 10-15%, nhưng từ khi đại dịch xảy ra và gần đây là những xung đột giữa các nước khiến thị trường gỗ toàn cầu xấu đi.
Giai đoạn đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp gỗ đã phải đóng cửa do gặp khó khăn về tài chính, và phải đến khoảng giữa năm thị trường mới dần có sự phục hồi. Tuy nhiên, để quay lại hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp phải đối mặt vấn đề về tài chính, nguồn vốn, hay nguồn nguyên liệu chưa kịp chuẩn bị… cho nên các hội viên ngành gỗ đang dồn toàn lực để đáp ứng tốt nhất lượng hàng xuất khẩu cho khách hàng.
Trước mắt, từ nay đến tháng 3/2024, số đơn hàng tại các doanh nghiệp Bình Định đạt mức tương đối tốt để đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm mức sống công nhân trong dịp Tết sắp tới. Dẫu vậy, khả năng phải đến cuối năm 2024 thì thị trường mới có thể phục hồi bình thường do các chuỗi cung ứng nước ngoài ổn định, khi đó thị trường mới trở lại đúng thực chất.
Theo ông Thiện, hiện nay doanh nghiệp không phải lo về đơn hàng, mà lo về cách thanh toán, bởi nếu không cho khách chậm trả thì không cạnh tranh được mà nếu cho khách chậm trả thì rủi ro rất lớn mà ngân hàng thương mại không có cách nào bảo lãnh việc này.
“Việc giải ngân gói hỗ trợ như đề xuất của Thủ tướng Chính phủ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn bởi các ngân hàng thương mại gần như không làm, mặc dù Chính phủ và lãnh đạo địa phương rất quan tâm đến việc hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều đáng nói là các ngân hàng thương mại cũng không có những văn bản hướng dẫn để doanh nghiệp biết vướng ở đâu? Hồ sơ thiếu những gì để có thể tiếp cận được khoản vay tín dụng mà Thủ tướng chỉ đạo”, ông Thiện cho biết.
Hiện nay, các rào cản thương mại nước ngoài ngày càng khắt khe, các chứng chỉ về quản lý rừng bền vững hay chứng chỉ giảm phát thải các-bon sau này bắt buộc sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường các nước phải tuân thủ. Thí dụ như Nhật Bản yêu cầu phải có chứng chỉ bền vững.
Công nhân Công ty cổ phần Tân Phú Sơn sản xuất gỗ dăm nén. |
Thị trường Đức hiện đang áp dụng nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi nguồn cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam. Họ yêu cầu doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải cung cấp các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải…
Vì thế, đây là một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc liên quan phòng vệ thương mại và tần suất của ngành gỗ phải đối diện các vụ kiện cũng ngày càng tăng. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ còn phải đối diện những thách thức mới như: Cần tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng, trách nhiệm giải trình ngành gỗ để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế như Lacey (Hoa Kỳ), Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất…
Với thực trạng hiện nay, ngành gỗ Việt Nam cần thiết lập và tổ chức kết nối tốt để thị trường tín chỉ các-bon thành cơ hội cho doanh nghiệp gỗ trong nước gia tăng lợi thế. Đặc biệt, cần định vị lại mục tiêu, tầm nhìn để trở thành trung tâm sản xuất xanh và bền vững.
Ông Đỗ Xuân Lập, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, để tháo gỡ khó khăn về thị trường, các doanh nghiệp ngành gỗ cần tổ chức đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững.
Để làm được việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hướng dẫn doanh nghiệp đa dạng hóa các chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn đã được pháp luật công nhận, bao gồm chứng chỉ quốc tế và chứng chỉ của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, trong đó hướng tới cam kết Net-zero trong ngành gỗ.
Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp các bộ, ban, ngành đề xuất ban hành khung pháp lý quy định cụ thể về triển khai cam kết Net-zero, hướng đến phát triển và khai thác rừng bền vững. Cùng với đó, cần tham khảo ý kiến chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp trong việc triển khai hoạt động sản xuất xanh để giảm phát thải các-bon, đáp ứng yêu cầu của các thị trường quốc tế.
Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức song Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định vẫn quyết tâm phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ mức 1 tỷ USD của năm 2022, góp phần hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh và ngành gỗ cả nước năm 2023. Tuy nhiên, để cụ thể hóa mục tiêu này, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định còn rất nhiều việc phải làm.
Theo các chuyên gia, trước mắt, cần tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, khách hàng, cấu trúc lại toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp theo phương châm “tự lực, tiết kiệm” từ cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất đến tìm kiếm, lựa chọn khách hàng, đơn hàng phù hợp năng lực.
Đồng thời phối hợp với Công ty CP Hội chợ ngành gỗ Việt Nam (VIFOREST FAIR) tiến hành công tác chuẩn bị và quảng bá tổ chức Hội chợ Triển lãm quốc tế đồ gỗ trong nhà, ngoài trời và trang trí sân vườn tại Bình Định năm 2024; tham gia các Hội chợ triển lãm quốc tế đồ gỗ và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phục vụ ngành gỗ trong nước như HawaExpo 2024, Bifa Wood 2024…
Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ở các khu vực mới, tiềm năng cho từng đề án, thị trường cụ thể như Hoa Kỳ, các nước EVFTA, CPTPP…; hỗ trợ hình thành mạng lưới doanh nghiệp, bán hàng, tiếp thị sản phẩm ở một số thị trường trọng điểm, từ đó thu hút sự quan tâm của thị trường quốc tế.
Tìm cách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung và ngành gỗ nói riêng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã tập trung kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dự án mới có quy mô và công suất lớn đưa vào hoạt động sản xuất góp phần tăng năng lực sản xuất và duy trì tốc độ trăng trưởng chung; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, chế biến dăm và viên nén gỗ liên kết với người trồng rừng đầu tư, phát triển rừng gỗ lớn bằng cách trồng mới hoặc chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn để chủ động nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Theo kế hoạch đến năm 2025, Bình Định sẽ trồng mới và chuyển hóa khoảng 10.000 ha rừng gỗ lớn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, chính quyền sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính quyền.