Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành công văn 4080/BGDĐT-GDTX hướng dẫn các địa phương tổ chức Tuần lễ hưởng ứng Học tập suốt đời năm 2019, tuần lễ đã diễn ra sôi nổi tại các địa phương trên cả nước với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Nhiều địa phương đã lựa chọn các chủ đề trọng tâm gắn với việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chí Minh là đơn vị tổ chức Lễ phát động hưởng ứng tuần lễ Học tập suốt đời đầu tiên trong cả nước vào sáng ngày Chủ nhật 29-9 với Chủ đề: “Học tập suốt đời – học tập thông minh để trở thành công dân tốt, gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh”. Trong ngày 1-10, cả nước đã có 63/63 địa phương tổ chức thành công Lễ phát động hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2019.
Tiếp nối sau đó, ngày 7-10 tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức các hoạt động hưởng ứng tuần lễ Học tập suốt đời tại cơ quan Bộ.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục phải là một tấm gương học tập suốt đời”. Bộ trưởng nhấn mạnh: Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại là nhiệm vụ, là trách nhiệm và chính là tâm huyết của mỗi thầy cô giáo, mỗi cán bộ trong ngành giáo dục góp phần thực hiện thắng lợi đổi mới giáo dục nước nhà.
Chương trình chào mừng tuần lễ Hưởng ứng Học tập suốt đời tại cơ quan Bộ năm nay có chủ đề “Phát triển thói quen đọc sách để trở thành người tự học suốt đời”. Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa và thể hiện vai trò tiên phong của Bộ GD-ĐT như một cơ quan gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động khuyến đọc, khuyến học, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Bộ GD-ĐT sẽ phát động xây dựng tủ sách Học tập suốt đời đặt tại cơ quan Bộ. Đây cũng là mô hình tủ sách được Bộ GD-ĐT phát động nhân rộng tại các cơ quan, công sở... trên cả nước tại công văn 4080/BGDĐT-GDTX, nhằm xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, công nhân viên chức trên cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức góc trưng bày “Học tập suốt đời nhìn từ xuất bản nửa đầu thế kỷ 20” giới thiệu một số di sản của các học giả, các nhà giáo, các nhà tư tưởng và hoạt động xã hội … với sự tham gia đóng góp tư liệu quý của các nhà sưu tập và nhà nghiên cứu trên toàn quốc. Góc trưng bày gồm hơn 300 ấn phẩm quý được xuất bản từ những năm 1899- 1959, đánh dấu mốc kỷ niệm 60 năm ra đời của Hiến pháp đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam cũng như 70 Hội thảo quốc tế đầu tiên và Tuyên bố quốc tế đầu tiên về giáo dục người lớn.
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời là một sáng kiến của UNESCO, được ra đời từ cuối những năm 1980 và được tổ chức lần đầu tiên tại Hoa Kỳ với mục đích nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Tại Việt Nam, tuần lễ hưởng ứng HTSĐ được lựa chọn tổ chức vào tháng 10 hằng năm bởi ý nghĩa lịch sử, đó là vào ngày 4-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời hiệu triệu toàn thể quốc dân đồng bào ”Chống nạn thất học”. Ngày 10-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh lập Ban Văn khoa, tiền thân của đại học Quốc Gia (đây là cở sở giáo dục bậc cao đầu tiên của Việt Nam sau khi dành độc lập). Từ bình dân học vụ tới giáo dục tinh hoa, sự kiện Tuần lễ hưởng ứng Học tập suốt đời được tổ chức vào những ngày đầu tháng 10 đã tôn vinh và khơi thông mãi dòng chảy của truyền thống Học tập suốt đời của dân tộc ta kể từ khi lập nước.
Tuần lễ Học tập suốt đời lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2011 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám với chủ đề “Học tập suốt đời – Chìa khoá của mọi thành công”. Từ năm 2012 trở đi, Tuần lễ Học tập suốt đời đời hằng năm được tổ chức tại địa phương vào tuần thứ nhất của tháng 10 với những nội dung, hoạt động đa dạng, thiết thực, hiệu quả, huy động được sự tham gia của các ban, ngành, các tổ chức xã hội, qua đó tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.