Ngành du lịch Thủ đô khép lại năm 2023 với kết quả đón 24 triệu lượt khách. Trong đó, có 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 16,3% so với năm 2022 và tương đương 91% so với kết quả năm 2019-giai đoạn trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022. Những con số này cho thấy du lịch Hà Nội đã có sự hồi phục mạnh mẽ kể từ sau đại dịch.
Ngoài các chỉ tiêu đều tăng so với kế hoạch đề ra, năm 2023, Hà Nội đón nhận nhiều tin vui khi liên tiếp nhận nhiều giải thưởng du lịch quốc tế do các tổ chức uy tín bình chọn, vinh danh, điển hình như: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày và Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á...
Nguyên nhân tăng trưởng chính của du lịch Thủ đô là nhờ sự đổi mới toàn diện, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chính: Đổi mới sản phẩm, khai thác có chiều sâu những thế mạnh như du lịch di sản, du lịch làng nghề và khai thác những lĩnh vực du lịch mới, gắn với thế mạnh của từng địa phương và đẩy mạnh chuyển đổi số. Đối với những sản phẩm du lịch mới, ấn tượng nhất phải kể đến những sản phẩm du lịch đêm ra mắt trong dịp cuối năm như: Tour đêm Tinh hoa đạo học tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, tour đạp xe trải nghiệm Đêm Thăng Long-Hà Nội. Trong đó, tour Tinh hoa đạo học tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám luôn kín chỗ từ rất sớm mặc dù giá mỗi vé không thấp (199 nghìn đồng/vé).
Đối với nhóm sản phẩm du lịch mới, Hà Nội đang đẩy mạnh khai thác du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp... dựa vào lợi thế khu vực nông thôn rộng lớn. Hiện nay, một số sản phẩm như: Sản phẩm du lịch thể thao, du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại Ba Vì, Sóc Sơn...; du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại các huyện ngoại thành: Thanh Trì, Đan Phượng, Đông Anh, Ba Vì... đều rất hút khách.
Đối với chuyển đổi số, Hà Nội đã triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành du lịch (dulich.myhanoi.vn) và đưa vào khai thác từ đầu năm 2023; triển khai kế hoạch điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn và phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố; hình thành bản đồ số du lịch (bằng nhiều thứ tiếng) thể hiện các thông tin thu hút du khách phục vụ phát triển du lịch thông minh của Hà Nội (đã thí điểm tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thạch Thất)...
Để tạo đà cho quá trình tăng tốc trong năm 2024, ngay từ cuối năm 2023, ngành du lịch Thủ đô đã có nhiều hoạt động khảo sát, xúc tiến, quảng bá du lịch. Sở Du lịch tổ chức khảo sát xây dựng hai tuyến du lịch mới “Khám phá Con đường di sản Nam Thăng Long”, tập trung khai thác thế mạnh di sản văn hóa, làng nghề ở các địa phương khu vực ngoại thành. Tuyến du lịch trung tâm Hà Nội-Thanh Trì-Thường Tín-Phú Xuyên gồm nhiều điểm đến, trong đó điểm nhấn là làng Ngâu (huyện Thanh Trì), làng Phúc Am (huyện Thường Tín) và làng Cựu (huyện Phú Xuyên).
Làng Ngâu nổi tiếng với nghề nấu rượu, đình chùa Ngâu có kiến trúc đẹp. Ngoài thưởng lãm cảnh quan, di tích, du khách còn được đến thăm các gia đình nấu rượu, thưởng thức đặc sản OCOP 4 sao rượu hoa cúc. Làng Phúc Am là làng nghề vàng mã nổi tiếng, với những bộ mã có kích thước lớn, các chi tiết cầu kỳ phục vụ cho hoạt động tâm linh; còn làng Cựu là làng cổ danh tiếng với những ngôi nhà cổ với kiến trúc châu Âu pha trộn với kiến trúc phương Đông, được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Tuyến trung tâm Hà Nội-Thanh Oai-Ứng Hòa-Mỹ Đức có các điểm đến gồm: Đình Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), nghề tơ tằm, tơ sen (huyện Mỹ Đức). Đây đều là những địa danh du lịch nổi tiếng, nhưng chưa có sự kết nối thành tuyến để phát huy giá trị tổng hợp. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, việc kết nối tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng sản phẩm du lịch liên kết các địa phương với nhau, tạo thêm sản phẩm du lịch mới và thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ở từng địa phương.
Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho biết, để đạt mục tiêu đón 26,5 triệu lượt khách như kế hoạch, ngoài hai tuyến du lịch trên, Hà Nội còn đẩy mạnh xây dựng tuyến trung tâm Hà Nội-Sơn Tây-Ba Vì. Song song với khai thác có chiều sâu thế mạnh du lịch di sản, Hà Nội chủ trương phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh như: Du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe...