Ngành điều Bình Phước hướng đến sản xuất lớn, hiện đại

Được xem là “thủ phủ điều” với diện tích điều chiếm hơn 50% tổng diện tích điều của nước ta, tuy nhiên thực trạng lâu nay cây điều ở Bình Phước phát triển thiếu ổn định, chưa được quan tâm đúng mức, đặt ra nhiều vấn đề về quy hoạch và đầu tư phát triển.

Công nhân phân loại điều nhân tại một nhà máy chế biến điều xuất khẩu ở huyện Bù Đăng.
Công nhân phân loại điều nhân tại một nhà máy chế biến điều xuất khẩu ở huyện Bù Đăng.

Diện tích manh mún, năng suất thấp

Huyện Bù Gia Mập là địa bàn trồng điều chủ lực của tỉnh Bình Phước. Theo Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập Trần Quang Ty, toàn huyện hiện có khoảng 20.000 ha điều, sản lượng điều năm 2016 đạt khoảng 32.963 tấn, năng suất bình quân đạt 1,6 tấn/ha/vụ. Tuy nhiên, phần lớn người trồng điều là các hộ nông dân và diện tích canh tác nhỏ, chiếm đáng kể là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Còn ở bình diện cả tỉnh, theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, diện tích điều hiện nay của tỉnh dao động từ khoảng 134.000 đến 180.000 ha nhưng diện tích điều nhỏ, manh mún vẫn chiếm phần lớn khi có tới hơn 77.600 hộ trồng phân tán. Chính đặc điểm này đã làm cho cây điều khó phát triển như kỳ vọng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, do diện tích trồng điều với quy mô nhỏ (dưới 2 ha/nông hộ) còn khá lớn (gần 87 nghìn ha), lại xa nơi ở, cùng với đời sống còn khó khăn (nhất là các hộ đồng bào dân tộc S’tiêng), các hộ nông dân không có điều kiện thâm canh; nhiều diện tích điều được trồng trên đất dốc, đất bị xói mòn nhanh, dẫn đến giảm năng suất. Hơn nữa, diện tích điều già cỗi của tỉnh còn khá nhiều (hơn 26 nghìn ha).

Điều đáng lo là phần lớn người trồng điều vẫn còn xem điều là cây giữ đất. Do vậy, trong thời gian qua việc chăm sóc, thâm canh vườn điều chưa được người dân chú trọng đầu tư hoặc có đầu tư nhưng rất hạn chế, chủ yếu phó mặc cây điều cho tự nhiên. Ngay cả cây điều ghép cũng mới đạt khoảng 45% yêu cầu về công chăm sóc, tạo tán, tỉa cành, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, diệt cỏ dại... Các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới chưa được ứng dụng đại trà, mới có khoảng 45% số nông dân bón phân, phun thuốc kích thích khi điều chuẩn bị ra hoa tạo quả và phun thuốc trừ sâu bệnh. Các biện pháp thâm canh khác như tưới nước, tưới nước tiết kiệm, tưới tiên tiến, trồng xen để tăng hiệu quả sản xuất... cũng chưa được quan tâm. Diện tích điều được thâm canh, chăm sóc đúng quy trình và đạt năng suất từ 3,5 tấn đến 5 tấn/ha/vụ mới có khoảng 2.000 ha (chiếm khoảng 1,5% tổng diện tích điều cho sản phẩm).

Bên cạnh đó, do khó khăn về nguồn vốn, cho nên phần lớn doanh nghiệp chưa đầu tư được dây chuyền công nghệ chế biến đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, mới chỉ dừng ở mức độ sơ chế, gia công thô, dẫn đến hàng hóa không có thương hiệu, thiếu sức cạnh tranh. Huyện Bù Gia Mập hiện có 24 doanh nghiệp chế biến điều và 122 cơ sở sơ chế điều nhỏ. Tuy nhiên, trong số này chỉ có một doanh nghiệp chế biến được sản phẩm nhân điều ăn liền và xuất khẩu; các đơn vị còn lại chỉ ở mức bóc - tách vỏ, lụa gia công, sau đó bán cho các doanh nghiệp khác để chế biến xuất khẩu. Còn tính cả tỉnh Bình Phước hiện có 200 doanh nghiệp và 400 cơ sở chế biến điều nhân nhưng phần lớn doanh nghiệp và cơ sở còn ở mức độ sơ chế, chưa đủ tầm xuất khẩu trực tiếp sản phẩm. Do vậy, năm 2015 vừa qua, Bình Phước chỉ xuất khẩu được gần 45.300 tấn điều nhân với kim ngạch đạt gần 337,8 triệu USD, chiếm 15% tổng sản lượng và chưa tới 14% kim ngạch xuất khẩu điều nhân của cả nước!

Hướng đến sản xuất lớn

Tháng 6-2016, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Đề án phát triển bền vững ngành điều tỉnh Bình Phước đến năm 2020. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, diện tích điều toàn tỉnh ổn định ở khoảng 181.000 ha. Trong đó có 137.000 ha trồng trên đất nông nghiệp với khoảng 48.000 ha cho năng suất hơn ba tấn/ha, khoảng 30.000 ha cho năng suất từ hai đến ba tấn/ha; 43.300 ha trồng trên đất rừng cho năng suất 1,8 tấn/ha. Đồng thời, sử dụng 100% giống điều mới (cây ghép) có năng suất, chất lượng cao, đưa tỷ lệ giống mới lên 45%, tương đương 60.000 ha; trong đó, diện tích tái canh, cải tạo khoảng 30.000 ha; 90% số vườn điều trong các hộ có diện tích lớn hơn 2 ha (tương đương 43.382 ha) và 50% số vườn điều trong các hộ có diện tích dưới 2 ha (tương đương 43.390 ha) được áp dụng các biện pháp thâm canh, thực hiện tạo tán, tỉa cành, bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình kỹ thuật và áp dụng kỹ thuật tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả, áp dụng tưới chủ động ở những nơi thuận lợi nguồn nước...

Đồng thời, đến năm 2020 tỉnh sẽ hình thành ít nhất 40 câu lạc bộ liên kết sản xuất (tương ứng với diện tích từ 3.000 đến 5.000 ha) ở 121 xã, thị trấn (với khoảng 1.200 hộ) như tổ kinh tế hợp tác, tổ đoàn kết sản xuất, câu lạc bộ và liên minh nông dân trồng điều. Hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu với tổ chức của những người trồng điều trên địa bàn... Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành công nghiệp chế biến và sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều theo hướng giảm đầu mối, giảm cơ sở chế biến nhỏ, không bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển các cơ sở chế biến lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại có năng lực chế biến hơn 1.000 tấn sản phẩm/năm. Trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có công suất thiết kế hơn 100 nghìn tấn/năm; nâng công suất chế biến các nhà máy lên khoảng 350 nghìn tấn/năm, bảo đảm chế biến hết khoảng 90% sản lượng điều của tỉnh (bao gồm cả nhập khẩu). Đến năm 2020, tỉnh có 100% số cơ sở chế biến được cấp giấy chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn về điều nhân xuất khẩu và 20% sản phẩm điều nhân, 50% dầu vỏ hạt điều chế biến sâu…

Ngành điều Bình Phước hướng đến sản xuất lớn, hiện đại ảnh 1

Nông dân huyện Bù Đốp phơi hạt điều sau khi thu hoạch.

Ngay sau khi đề án ra đời, cuối tháng 8-2016, Liên hiệp Hợp tác xã Điều Bình Phước ra đời với gần 480 thành viên đến từ các hợp tác xã: Đồng Nai, Thành Phát (huyện Bù Đăng), Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) và Phước Hưng (thị xã Đồng Xoài). Mô hình liên hiệp hợp tác xã đầu tiên này của Bình Phước hướng đến mô hình trồng điều công nghệ cao, cho ra sản phẩm điều sạch, đạt chứng nhận nhãn hiệu thương mại công bằng quốc tế. Đầu tháng 10 vừa qua, tại buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã tỉnh về các giải pháp thúc đẩy việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã đồng ý sẽ có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt (10 triệu đồng/ha) đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (là thành viên các hợp tác xã) trồng điều xen canh cây ca-cao; các hộ không phải đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 50% kinh phí... Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp lớn của tỉnh làm đầu mối liên kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa để hình thành đầu mối trực tiếp xuất khẩu và nhập khẩu điều. Đồng thời, có chính sách hấp dẫn để kêu gọi, thu hút thêm nhiều nguồn lực (doanh nghiệp, nhà khoa học…) cho việc đầu tư nghiên cứu chuỗi giá trị cây điều, nhất là trái điều (hiện nay chưa được tận dụng, gây lãng phí). Ngoài ra, tỉnh khuyến khích nông dân liên kết để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng điều với năng suất và chất lượng cao, tạo ra hạt điều an toàn và đạt chuẩn quốc tế, từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Việc liên kết sản xuất sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc chuyển giao giống mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh, tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị cây điều.