Tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế Bộ Công an cho biết, Cục Bảo vệ thực vật là một trong số ít các đơn vị, cá nhân tiêu biểu thuộc các bộ ban ngành được Bộ trưởng Công an tặng thưởng Bằng khen phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, trong thời gian qua, tình hình thế giới, an ninh khu vực diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến an ninh kinh tế nước ta. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan doanh nghiệp nói chung và Cục Bảo vệ thực vật nói riêng, lực lượng an ninh kinh tế trong cả nước đã nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp cơ bản, có ý nghĩa chiến lược về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, đối ngoại, đồng thời giải quyết và xử lý có hiệu quả những vấn đề cấp bách, phức tạp về an ninh trên lĩnh vực kinh tế, phát hiện, đấu tranh và ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các hành vi vi phạm pháp luật và các đối tượng tội phạm kinh tế, làm tốt công tác bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh chính trị nội bộ cho các cơ quan, bộ, ban ngành, doanh nghiệp ở Trung ương và địa phương, giữ vững thế chủ động chiến lược, không bị động, bất ngờ.
Theo Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Cục Bảo vệ thực vật đã duy trì hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, phân bón, an toàn thực vật, sản phẩm có nguồn gốc thực vật, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, góp phần mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu nông sản, qua đó, đã hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, giữ vững ổn định chính trị nội bộ, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ: sự phối hợp giữa hai đơn vị đã giúp xử lý tốt các vấn đề rất “nhạy cảm” từ quản lý vật tư nông nghiệp đến kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm; đấu tranh phòng chống hành vi nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp khác. Những vấn đề mới phát sinh gần đây như giả mạo mã số vùng trồng cũng đã được kiểm tra, ngăn chặn.
Đặc biệt, Cục Bảo vệ thực vật đã áp dụng đúng các quy định của pháp luật để dần loại bỏ các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có độc tính cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường. Cho đến nay, đã loại bỏ được 1.706 sản phẩm, thuốc bảo vệ thực vật với 14 hoạt chất độc hại. Ông Hoàng Trung nhấn mạnh, một số nước vẫn đang sử dụng các hoạt chất này, do vậy nhiều hành vi nhập lậu gia tăng, với tính chất ngày càng tinh vi và phức tạp để “lách luật” tuồn các hoạt chất độc hại ra thị trường. “Chúng tôi đã ghi nhận và có số liệu, bằng chứng báo cáo, chuyển cho lực lượng chức năng của Cục An ninh kinh tế để có các giải pháp ngăn chặn”, ông Trung chia sẻ.
Trong thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã quyết liệt trong điều hành, sâu sát thực tế để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm dịch thực vật, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ đối tượng kiểm dịch thực vật nhưng vẫn tạo thông thoáng, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho các tổ chức cá nhân theo tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai Hải quan một cửa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi làm thủ tục kiểm dịch thực vật xuất, nhập khẩu theo Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Đặc biệt, Cục Bảo vệ thực vật đã đàm phán tháo gỡ rào cản về mở cửa thị trường quả tươi của Việt Nam đi các nước, đẩy mạnh xuất khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp làm thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu đối với nông sản, đặc biệt là xuất khẩu vải tươi và các mặt hàng khác như các loại gỗ và sản phẩm gỗ, rau củ quả tươi, sắn, gạo, cà-phê, hạt điều, hạt tiêu,… đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu nông sản nói chung và quả tươi nói riêng. Trong tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế về bảo vệ và kiểm dịch thực vật dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế FAO, STDF, IFC; thúc đẩy hợp tác song phương và xúc tiến thương mại với các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Chi Lê, Argentina, EU…
Trong công tác kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, Cục Bảo vệ thực vật cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, đặc biệt là Cục An ninh Kinh tế, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài việc triển khai ký cam kết đối với 28.816 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật về việc không mua bán các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, thuốc ngoài danh mục, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, Cục cũng cung cấp thông tin cho lực lượng công an các địa phương điều tra, triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả liên tỉnh, thu giữ thuốc bảo vệ thực vật giả và các phương tiện sản xuất. Qua phối hợp liên ngành giữa Cục Bảo vệ thực vật và lực lượng công an cũng phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm về hành vi sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, vi phạm nội dung ghi nhãn.