Các nước EU đã phải hứng chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng di cư xảy ra năm 2015, thời điểm khối này bị chia rẽ trước sự xuất hiện của hơn một triệu người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột Syria. Hiện một làn sóng di cư mới hình thành sau khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, khiến nhiều người dân ở quốc gia Nam Á bỏ chạy sang các nước láng giềng và có hành trình tới “miền đất hứa” châu Âu. Để tránh lặp lại cuộc khủng hoảng di cư, tại Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ EU bất thường diễn ra mới đây ở thủ đô Brussels (Bỉ), các nước EU nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận nhằm giúp đỡ các quốc gia láng giềng của Afghanistan, vốn đang tiếp nhận nhiều người tị nạn.
Với phương châm giúp người là cứu mình, các nước EU thảo luận nhằm thống nhất trong khối về việc giúp các nước láng giềng của Afghanistan có thể cáng đáng được gánh nặng người di cư. Theo đó, EU sẽ hỗ trợ tài chính cho các quốc gia này như đã từng làm với Thổ Nhĩ Kỳ trong tiếp nhận người tị nạn Syria. Các Bộ trưởng Nội vụ của EU khẳng định chính sách của toàn liên minh là quyết tâm hành động chung để tăng cường bảo vệ biên giới bên ngoài châu Âu. Ưu tiên của EU là bảo đảm những người cần được bảo vệ có thể được tiếp nhận trong khu vực thông qua hỗ trợ tài chính, nhằm tránh dòng người di cư bất hợp pháp quy mô lớn tìm đến châu Âu. Tuy nhiên, nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu đối mặt thách thức khi các nước láng giềng của Afghanistan đang có nguy cơ bị quá tải bởi lượng người tị nạn rất đông hoặc các nước này không sẵn sàng san sẻ gánh nặng cho EU.
Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia láng giềng của Afghanistan mở cửa biên giới đón nhận những người muốn đi lánh nạn khi cơ quan này ước tính dòng người di cư từ Afghanistan có thể lên đến hơn 500 nghìn người vào cuối năm 2021. Trong khi đó, Ủy ban cứu hộ quốc tế ước tính, EU cần thiết lập một cơ chế tái định cư mới để có thể tiếp nhận ít nhất 30 nghìn người Afghanistan trong vòng 12 tháng tới. Các nước châu Âu đang cố gắng ngăn chặn dòng người di cư càng xa biên giới càng tốt để bảo đảm EU không bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng di cư mới.