Ngân hàng Thế giới là đối tác tích cực, tin cậy
Khẳng định Ngân hàng Thế giới là đối tác tin cậy quan trọng của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn thời gian tới Ngân hàng Thế giới tiếp tục hợp tác, tăng cường hỗ trợ vốn, chuyên gia, tư vấn trong quá trình xây dựng hoàn thiện chính sách thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng được gặp bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương tại Hà Nội nhân dịp bà có chuyến công tác tại Việt Nam từ ngày 17 đến 24/3/2022; chúc mừng bà được bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương; tin tưởng rằng với năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo và điều hành tại nhiều quốc gia, châu lục và tâm huyết của bà, ở cương vị mới, bà sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ cho chiến lược phát triển quốc gia của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định trong thời gian dài, Ngân hàng Thế giới luôn là đối tác hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, không chỉ về tài chính mà còn vai trò tư vấn, tham chấn chính sách, hoàn thiện khung khổ, thể chế. Gần đây nhất là sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam do Quốc hội Việt Nam tổ chức; đóng góp vào thành công chung của Diễn đàn từ đó có được luận cứ quan trọng cho việc Quốc hội quyết định gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định các khung khổ đầu tư công, tài chính công và ngân sách nhà nước hằng năm; đồng thời giám sát quá trình tổ chức thực hiện của Chính phủ và các cơ quan liên quan. Việt Nam hiện nay đang trong quá trình cần rất nhiều vốn đáp ứng yêu cầu phát triển. Trên nguyên tắc tự cường, Việt Nam coi nguồn lực trong nước có ý nghĩa quyết định, bên cạnh đó, các nguồn lực hỗ trợ bên ngoài cũng có ý nghĩa quan trọng.
Đối với việc huy động các nguồn lực, Quốc hội Việt Nam đã nhiều lần điều chỉnh, hoàn thiện khung khổ chính sách pháp luật, gần đây nhất là sửa đổi Luật Quản lý nợ công, hay có giám sát chuyên đề về sử dụng vốn ODA. Chính phủ và Quốc hội Việt Nam cũng đã nỗ lực cơ cấu lại tài chính công, nợ công quốc gia và đạt được kết quả tích cực. Quốc hội Việt Nam mong muốn Ngân hàng Thế giới tiếp tục có sự hỗ trợ trong quá trình tài cơ cấu tài chính công, nợ công theo hướng ngày càng bền vững, huy động được nguồn vốn với mức lãi suất ưu đãi tạo thuận lợi cho sự phát triển.
Quốc hội Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác, mở rộng lĩnh vực trao đổi với Ngân hàng Thế giới
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hiện nay, Quốc hội, Chính phủ và người dân Việt Nam quan tâm đến hiệu quả sử dụng ngân sách, vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài; lo ngại trước tình trạng tỷ lệ giải ngân vốn ODA thấp trong đó có nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, thời gian tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tăng cường giám sát vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục duy trì cơ chế tham vấn với các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Việt Nam để rà soát quá trình triển khai thực hiện các dự án, tìm ra được nguyên nhân và có cách thức giải quyết vấn đề này.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và dùng một luật sửa nhiều luật hướng đến tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy nhanh hơn việc phân bổ và giải ngân vốn ODA. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Ngân hàng Thế giới quan tâm hộ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống chính sách pháp luật kiến tạo phát triển phù hợp giai đoạn cách mạng công nghiệp và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên thế giới; đồng thời, tiếp tục quan tâm hỗ trợ tư vấn kỹ thuật chính sách chính sách phát triển các lĩnh vực trọng tâm như các mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết về cắt giảm khí nhà kính tại COP26.
Tăng cường hỗ trợ Quốc hội Việt Nam trong việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên về tư vấn chính sách, xây dựng nội dung, chủ đề, cung cấp diễn giả, trao đổi kinh nghiệm quốc tế cũng như các hỗ trợ về mặt tài chính cho việc tổ chức sự kiện.
Chia sẻ, thành công của các quyết sách của Quốc hội thời gian qua góp phần tích cực vào phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có nhiều chính sách do Quốc hội chủ động đề xuất. Với tinh thần đó, lần đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế chuyên gia, công tác viên với mục tiêu hình thành “Mạng lưới sáng kiến Quốc hội” cả trong nước và quốc tế, có sự tham dự của đại biểu Quốc hội các khóa.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Ngân hàng Thế giới tích cực tham gia và cùng thiết lập mạng lưới chuyên gia này tham gia tư vấn cho Quốc hội. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đều mong muốn tăng cường hợp tác với các định chế tài chính quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Bày tỏ vinh dự khi đến Việt Nam trên cương vị mới và được gặp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Manuela Ferro khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng với Ngân hàng Thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Nhận thấy Việt Nam đã có sự phát triển, tiến bộ vượt bậc, bước sang giai đoạn phát triển mới.
Chia sẻ với những phát triển vượt bậc của Việt Nam trong suốt 30 năm qua, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho biết, cùng sự phát triển của kinh tế toàn cầu, thương mại quốc tế, Việt Nam đã đạt thành tựu to lớn, hội nhập kinh tế quốc tế, tỷ trọng của Việt Nam trong thương mại quốc tế có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, với bối cảnh ngày càng phức tạp của tình hình thế giới, địa chính trị, thương mại quốc tế đòi hỏi mỗi quốc gia cần có tầm nhìn, chiến lược rõ ràng hơn, dài hạn hơn trong xây dựng định hướng, chiến lược.
Cùng với đó, khi Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, tăng trưởng nhanh hơn nhưng có sự không đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền, ngành và nhóm dân. Sự bất bình đẳng này đỏi hỏi phải có hành động ngay lập tức để bảo đảm khả năng thích ứng. Trong quá trình này, Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành và cung cấp cho Việt Nam những thông tin đầu vào, nền tảng để tạo cơ sở phân tích, xây dựng chính sách chiến lược cũng như sẵn sàng hợp tác với các thiết chế của Việt Nam trong đó có Quốc hội.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Manuela Ferro trao đổi về các lĩnh vực tiềm năng, khẳng định sẽ phối hợp tích cực cùng các cơ quan của Việt Nam trong quá trình đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ
Cùng nỗ lực thúc đẩy tiến độ, hiệu quả giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ
Đón nhận những đề nghị của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Manuela Ferro khẳng định, trong thời gian tới Ngân hàng Thế giới sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác với các thiết chế của Việt Nam nói chung và Quốc hội nói riêng; mong mỏi Quốc hội Việt Nam tin tưởng nguồn chuyên gia của Ngân hàng Thế giới như một kênh thông tin đầu vào, cơ sở cho các quyết sách của Quốc hội.
Đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam trong việc chủ động đưa ra các chính sách cho sự phát triển của đất nước, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Manuela Ferro bày tỏ ủng hộ Quốc hội Việt Nam trong việc tăng cường vai trò giám sát nhất là trong lĩnh vực tài chính công.
Bày tỏ quan tâm đến việc tiến độ và hiệu quả giải ngân các nguồn vốn ODA, trong đó có các nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Manuela Ferro cho biết, thời gian tới Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan của Việt Nam để cùng rà soát xem xét các danh mục dự án, tìm và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, vấn đề minh bạch trong đấu thầu, tăng cường trách nhiệm giải trình là yêu cầu bắt buộc bảo đảm hiệu quả cho việc sử dụng vốn.
Nhất trí với quan điểm hai bên cùng phối hợp, nỗ lực giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho rằng nếu các dự án của Ngân hàng Thế giới tài trợ được tháo gỡ nhanh cũng sẽ là kinh nghiệm cho việc thực hiện, triển khai các dự án khác của Việt Nam với các đối tác khác.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cũng cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ tài chính, Ngân hàng Thế giới còn có thể tham gia tư vấn chính sách, chia sẻ khuyến nghị, kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng định hướng chính sách và triển khai thực hiện.
Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng trong bối cảnh Việt Nam không còn nhận được các khoản vốn ưu đãi, các khoản viện trợ bên ngoài khó có thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu đầu tư phát triển thì Việt Nam cần tập trung, chú trọng sử dụng vốn này cho các dự án khó, phức tạp hơn, phân tích chính sách, học hỏi kinh nghiệm có được từ việc triển khai các dự án, chương trình. Đây cũng chính là mô hình, cách tiếp cận được Ngân hàng Thế giới áp dụng hiệu quả tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Chile hay Ba Lan.