Xử lý vi phạm thương mại điện tử tăng đột biến
Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong năm 2024, Cục đã thu nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng (đạt 113,7% so với chỉ tiêu, vượt hơn 12 tỷ đồng), trị giá hàng hóa tịch thu chờ xử lý hơn 73 tỷ đồng (tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2023) và trị giá hàng hóa đã tiêu hủy hơn 60 tỷ đồng (tăng 10,2% so với cùng kỳ).
Đối với mặt hàng vàng trang sức, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 326 vụ vi phạm, trị giá tang vật vi phạm hơn 18 tỷ đồng; xử phạt tiền hơn 17 tỷ đồng. Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 121 vụ, tập trung xử lý các vụ việc có quy mô lớn, điển hình như vụ phát hiện xe vận chuyển hơn 120.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu tại huyện Củ Chi đã chuyển cơ quan điều tra, và vụ phát hiện hơn 10.000 sản phẩm thuốc lá điện tử với tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng tại Quận 1 và quận Tân Phú.
Đối với hoạt động thương mại điện tử, quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 379 vụ vi phạm (tăng 392,2% so với năm 2023), trị giá hàng hóa vi phạm hơn 8,6 tỷ đồng (tăng 1.128,57% so với cùng kỳ); số tiền xử phạt hơn 7,6 tỷ đồng (tăng 300% so với cùng kỳ). Riêng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 2.215 vụ vi phạm (tăng 39,98% so với cùng kỳ); tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 89,9 tỷ đồng; xử phạt tiền hơn 44 tỷ đồng.
Điển hình như mới đây, Đội Quản lý thị trường số 18 phát hiện Công ty TNHH T.H. (huyện Hóc Môn) đang chào bán hóa mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu trên mạng xã hội Zalo, cho nên đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra.
Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở này đang chứa trữ và kinh doanh nhiều thùng hóa mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đội Quản lý thị trường số 18 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm và lập thủ tục chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật cho cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 18 cũng phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chào bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thông qua mạng xã hội, gồm: Điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa tại Ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn do bà L.T.M.D. làm chủ đang chứa và kinh doanh 305 dụng cụ tập cơ bắp hiệu MAGIC BB và hai máy tập lưng xô chữ T không có nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ có tổng trị giá hơn 53 triệu đồng; điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa tại Ấp 2, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn do ông H.T.H. làm chủ, đang chứa và kinh doanh 16 loa karaoke loại xách tay, vỏ gỗ, bass 20 cm, không có nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ có tổng trị giá hơn 53 triệu đồng...
Theo Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, để có những kết quả tích cực, ngay từ đầu năm 2024, Cục đã tập trung chỉ đạo, điều hành. Các Đội Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, giám sát địa bàn, không để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn trọng điểm, nổi cộm được thực hiện quyết liệt; trong đó, ưu tiên kiểm tra, xử lý các lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm như: Vàng trang sức, thuốc lá, xăng dầu và hàng hóa trên thương mại điện tử đã giúp ngăn chặn, xử lý hiệu quả các vụ việc vi phạm có quy mô lớn cho nên số lượng vụ việc vi phạm bị phát hiện xử lý, trị giá tang vật vi phạm và mức phạt tiền áp dụng đều tăng cao so với năm 2023.
Kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm
Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, năm 2025, Cục Quản lý thị trường sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường và cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không để gián đoạn, tạo khoảng trống trong công tác quản lý thị trường.
Cục Quản lý thị trường thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tổ chức, xây dựng lực lượng; tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành pháp luật của công chức; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là đối với hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Năm 2025, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, tăng cường công tác thu thập thông tin, điều tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời, chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hiệu quả.
Cục Quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh số hóa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; tăng cường hợp tác, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả.
Cục Quản lý thị trường thành phố sẽ tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với chính phủ, các bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.