Ngăn chặn xu hướng bạo lực trong giới trẻ

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc bạo lực của trẻ vị thành niên gây lo ngại trong xã hội. Dù bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ, nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng, gây tổn thất về thể chất và tinh thần cho nạn nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học ngoại khóa về phòng, chống bạo lực học đường trong trường học tại Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. (Ảnh CÔNG TOÀN)
Giờ học ngoại khóa về phòng, chống bạo lực học đường trong trường học tại Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. (Ảnh CÔNG TOÀN)

Chiều 6/6/2024, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, một nữ sinh lớp 6, Trường trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã bị một nhóm học sinh tại một số trường khác đánh, lột quần áo, ép hút thuốc lá. Trước đó, còn nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra khiến dư luận hết sức lo ngại, như vụ nữ sinh lớp 9 (ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) bị 5 bạn cùng trường đánh, quay video chia sẻ lên mạng xã hội. Hay vụ nam sinh ở Trường trung học cơ sở Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị nhóm bạn hành hung đến mức sang chấn tâm lý, phải nhập viện điều trị…

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền clip về vụ bạo lực tại nhà vệ sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, ba nữ sinh thay nhau đánh, đá vào đầu, vào mặt một nữ sinh khác. Nữ sinh bị ngã ra sàn nhưng vẫn bị bạn đánh tiếp, vừa đánh bạn, nhóm nữ sinh vừa cười đùa… Đáng chú ý, trong số các vụ bạo lực, có nhiều vụ chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, nhưng để lại hậu quả đau lòng về cả tâm, sinh lý, thậm chí tính mạng của các em.

Theo ý kiến của các chuyên gia tâm lý, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi côn đồ, bạo lực, vi phạm pháp luật mà nhiều vụ trong số đó xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ... là do bị ảnh hưởng từ lối sống thực dụng, ham muốn hưởng thụ và thích chứng tỏ bản thân của giới trẻ.

Cùng sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều em bị ám ảnh và lôi kéo từ những trò chơi bạo lực. Bên cạnh đó, còn do thiếu sự quan tâm, chia sẻ, quản lý của gia đình, nhất là những gia đình có bố mẹ ly hôn, ít quan tâm đến con cái. Các em ở hoàn cảnh này thường có khuynh hướng bạo lực cao hơn. Nhiều bậc cha mẹ không ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục con cái, chỉ nghĩ đơn thuần thương con là cho ăn ngon mặc đẹp, cung cấp đầy đủ tiền bạc để con tiêu xài... Chính điều này đã vô tình hình thành cho trẻ thói quen thích hưởng thụ, lười lao động. Có những đứa trẻ thường xuyên là nạn nhân của bạo lực gia đình, cho nên bị tổn thương tâm lý, lệch lạc trong nhận thức, khi lớn lên trở nên chai lỳ, có những hành vi bạo lực.

Một thực tế hiện nay là một số nhà trường chưa dành thời gian thỏa đáng cho công tác tham vấn học đường, tư vấn tâm lý. Tâm, sinh lý của lứa tuổi học sinh, nhất là độ tuổi từ 12-17 có nhiều biến đổi, thích tự chứng tỏ bản thân, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Các em thiếu kỹ năng sống, nhất là kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn. Bên cạnh đó, thế giới game bạo lực cũng là nguyên nhân khiến một bộ phận giới trẻ trở nên lạnh lùng, vô cảm, có hành vi bạo lực giống trong game. Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục cho rằng: “Hiện nay, các em trong độ tuổi thanh, thiếu niên dễ có hành vi vi phạm pháp luật do ham muốn tự đề cao bản thân. Có những bạn biết hành vi đó là sai trái, nhưng vẫn khoe “chiến tích” trên các mạng xã hội”.

Để góp phần đẩy lùi hành vi bạo lực, giúp thanh, thiếu niên có hướng phát triển đúng đắn cả về thể chất lẫn tinh thần, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, và sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương.

Theo đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc bảo đảm an toàn trường học do mình phụ trách. Phổ biến, nhân rộng các mô hình phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Gia đình là môi trường quan trọng, giúp hình thành, nuôi dưỡng và bồi đắp tình cảm, giáo dục đạo đức, lối sống nhân cách con người. Cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, cách ứng xử cho con noi theo. Cha mẹ cần dành thời gian quan tâm đến con, lắng nghe, kịp thời phân tích, chấn chỉnh suy nghĩ, hành động sai trái liên quan đến bạo lực, tạo ra môi trường sống lành mạnh.

Các nhà trường cần xây dựng môi trường học đường lành mạnh, chú trọng giáo dục nhân cách cho trẻ, giúp các em biết yêu thương bạn bè, biết chia sẻ trước nỗi đau của người khác. Từ đó, các em không chỉ biết “nói không với bạo lực học đường”, mà còn có trách nhiệm trong phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường.