Tháng 4/2024, Nguyễn Thị Hương đã bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt trong một đường dây rửa tiền. Trước đó, đối tượng này đã dùng một căn cước công dân để thành lập đến 116 công ty mà Sở Kế hoạch và Đầu tư không phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, nhất là khi cơ quan thuế từng có văn bản cảnh báo. Sự dễ dãi trong khâu cấp phép thành lập doanh nghiệp một lần nữa lại được cảnh báo khi có nhiều cá nhân lợi dụng lập công ty "ma" để mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng năm 2024, cả nước có 64,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 601,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% về số doanh nghiệp, tăng 5,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả khảo sát doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào tháng 5/2024 cho thấy, các doanh nghiệp đều đánh giá thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, với nhiều chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc đơn giản thủ tục hành chính không có nghĩa là tạo "lỗ hổng" cho các hành vi vi phạm pháp luật. Với hồ sơ thành lập doanh nghiệp quá đơn giản, một cá nhân có thể thành lập rất nhiều công ty, trong đó có không ít công ty "ma". Thời gian qua, vấn nạn doanh nghiệp "ma" hoành hành vì mục đích xấu để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp bịt lỗ hổng lập doanh nghiệp "ma" để mua bán hóa đơn như mời chủ doanh nghiệp lên để nhận diện, đối chiếu căn cước công dân. Có trường hợp, cơ quan thuế còn kiểm tra trụ sở làm việc theo đăng ký kinh doanh trước khi cấp phép sử dụng hóa đơn điện tử.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là cần thiết nhưng cần phải bịt "lỗ hổng" trong khâu phê duyệt hồ sơ thành lập doanh nghiệp; cần có quy định rõ hơn về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, phải chứng minh rõ địa chỉ kinh doanh, thông tin của chủ sở hữu doanh nghiệp; cần có quy định rõ hơn về số lượng doanh nghiệp mà mỗi cá nhân có thể làm đại diện pháp luật. Ngành thuế sẽ kiến nghị Nhà nước sửa đổi quy định pháp luật trước khi mở công ty, đăng ký sử dụng hóa đơn…, chủ doanh nghiệp phải có xác thực thông tin cá nhân từ Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an; tránh trường hợp cá nhân sử dụng căn cước công dân người khác thành lập doanh nghiệp để gian lận về thuế, hóa đơn.
Để ngăn chặn hiệu quả doanh nghiệp "ma", ngoài nỗ lực của cơ quan thuế, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị có trách nhiệm của cơ quan khác như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quản lý thị trường, Công an, chính quyền địa phương… trong công tác hậu kiểm sau cấp phép doanh nghiệp có tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hay không. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp với nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; đồng thời, bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp…
Theo đó, các quy định mới hướng tới việc tạo điều kiện, thủ tục phù hợp nhu cầu thực tế doanh nghiệp cũng như bối cảnh kinh doanh liên tục có nhiều biến động, có sự liên thông đăng ký doanh nghiệp giữa các cơ quan liên quan, nhất là giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh nhằm tăng cường quản lý, bịt "lỗ hổng" thành lập doanh nghiệp "ma" để thực hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền, buôn lậu…; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bảo đảm được quyền lợi của các doanh nghiệp.