Chỉ trong hai buổi tối 6 và 7/6, Công an thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã kiểm tra phát hiện, xử lý hơn 50 trường hợp thanh thiếu niên từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô-tô, gắn máy tham gia giao thông nhưng không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Tất cả các trường hợp nêu trên đều không có giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, trong đó nhiều trường hợp các em học sinh điều khiển xe mô-tô, gắn máy chạy nhanh, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định và xe sử dụng bộ phận giảm thanh không bảo đảm quy chuẩn về tiếng ồn.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm 2024 đến nay, Công an thành phố Hà Tĩnh đã xử lý 373 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phạt tiền 420 triệu đồng, tạm giữ 292 phương tiện, gửi thông báo đến công an xã nơi cư trú của 33 trường hợp vi phạm để phối hợp giáo dục, quản lý.
Để ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan điều khiển phương tiện giao thông, ngay từ cuối tháng 5/2024, ngay khi sắp bước vào kỳ nghỉ hè của học sinh, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội đã triển khai năm tổ công tác đặc biệt tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự, an toàn giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông.
Nhiệm vụ của các tổ là tập trung kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm giao thông, nhất là các hành vi như: Không đội mũ bảo hiểm, học sinh chưa có bằng lái xe, đi vào đường cấm, đi ngược chiều, lạng lách, đánh võng... Ngay trong những ngày đầu ra quân, các tổ công tác đã phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp học sinh trung học phổ thông có hành vi điều khiển xe mô-tô dù chưa có bằng lái xe phù hợp.
Thời gian qua tại nhiều địa phương còn tái diễn tình trạng nhiều học sinh hành hung bạn do mâu thuẫn cá nhân. Ngày 9/6, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, xác minh sự việc liên quan vụ một nhóm học sinh đánh bạn xuất hiện trên mạng xã hội. Sự việc được quay clip và đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội cho thấy, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, một nữ sinh lớp 6 của một trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã bị một nhóm học sinh hành hung và ép hút thuốc lá. Qua xác minh, bước đầu Công an huyện Chương Mỹ đã làm rõ bảy trường hợp liên quan đến vụ việc này.
Theo các chuyên gia về pháp luật, dịp nghỉ hè là khoảng thời gian mà số vụ vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên luôn có chiều hướng gia tăng. Do vậy, các ngành chức năng cần có biện pháp hữu hiệu để quản lý học sinh, sinh viên, giúp các em nhận thức rõ ý thức trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là sự phối hợp trong việc quản lý giáo dục các em giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Các cấp chính quyền, các đoàn thể cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh trong dịp hè, giúp cho học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức và thể chất, trong đó phát huy vai trò nòng cốt của đoàn thanh niên và các tổ chức đoàn thể tại địa phương. Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong thanh niên, thiếu niên, học sinh. Qua đó triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đột phá để giảm tình trạng tội phạm, vi phạm pháp luật trong giới trẻ.