Cuối tháng ba vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn đối tượng về tội "chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng liên tỉnh quy mô lớn, do Nguyễn Trần Du, 31 tuổi, trú tại xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cầm đầu. Ba đối tượng khác ở các địa phương khác nhau, trải dài trên khắp cả nước như: Hải Phòng, Cà Mau, Long An.
Tội phạm sử dụng vũ khí tự chế, thô sơ diễn biến phức tạp
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đường dây này rất tinh vi, mọi mua bán, giao dịch đều diễn ra trên không gian mạng, với các tài khoản ảo, hội nhóm kín. Các đối tượng nêu trên chuyên đặt mua súng, các linh kiện súng, lựu đạn trên mạng, sau đó cải tiến, chế tạo thành vũ khí quân dụng để bán cho các đối tượng hình sự kiếm lời.
Thanh Hóa phá đường dây chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng
Từ hoạt động mua bán, hoặc tự học cách chế tạo vũ khí, vật liệu nổ qua các video đăng tràn lan qua mạng, trên thực tế, đã có rất nhiều vụ án nghiêm trọng đã xảy ra. Có thể kể đến vụ hàng chục thanh, thiếu niên tụ tập hỗn chiến, chạy xe máy tốc độ cao trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội hồi cuối tháng 9/2023 vừa qua. Quá trình gây án, có đối tượng đã mang theo vũ khí nóng, bắn vào những người đi đường khiến ba người bị thương.
Công an thành phố Hà Nội thu giữ vũ khí tự chế, thô sơ. |
Ở một vụ việc khác, đối tượng Lê Thiện Duy, trú huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã bị bắt giữ về hành vi giết người. Trước đó, trong lúc ngồi nhậu, giữa Duy với Nguyễn Anh Quân, Nguyễn Đức Hào xảy ra mâu thuẫn. Duy đã dùng dao nhọn tấn công cả hai bạn nhậu khiến cả hai người bị thương. Sau đó, Hào đã tử vong tại bệnh viện do vết thương quá nặng.
Hay tại cuộc xung đột giữa hai nhóm thanh, thiếu niên sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, nạn nhân Trần Duy An, sinh năm 2009, trú tại thành phố Châu Đốc bị chém gần đứt cổ tay. Điều đáng nói, An lại là nạn nhân bị chém “nhầm” khi ở gần hiện trường vụ việc.
Những thí dụ kể trên cho thấy, thực trạng tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ và sử dụng các loại dao gây án tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động, tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.
Dù trên thực tế, nhiều vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra từ việc tự chế tạo, tàng trữ, sử dụng vũ khí, công vụ hỗ trợ, tuy nhiên, việc xử lý hình sự đối với các loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn.
Từ những linh kiện mua trôi nổi đã được các đối tượng lắp ráp hoàn thiện thành những khẩu súng, đã có nhiều vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra khi các đối tượng sử dụng các loại vũ khí này, thế nhưng với hành vi mua bán, tàng trữ các loại linh kiện súng tự chế, các đối tượng cũng chỉ bị xử lý hành chính.
Theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ, quy định, mức xử phạt vi phạm hành chính cho hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, cao nhất là 40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Điều 304 Bộ Luật hình sự chỉ quy định xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép, hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng. Đối với các hành vi vi phạm liên quan đến súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao chỉ bị xử lý hình sự khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc phạm tội, bị kết án nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Từng bước kìm chế tội phạm
Để phục vụ lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tiến hành rà soát, thống kê cả nước có 12 làng nghề; 432 cơ sở, doanh nghiệp và gần 12 nghìn hộ gia đình kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu các loại dao phục vụ sản xuất, cho thấy, việc sản xuất, kinh doanh của các cơ sở doanh nghiệp, hộ gia đình đang diễn ra tự do, chưa có cơ quan nào được giao quản lý cho nên dẫn đến việc sản xuất, kinh doanh tràn lan, tiềm ần nguy cơ đối tượng lợi dụng để tự chế các loại dao, kiếm… nhằm thực hiện các hành vi phạm tội.
Người dân huyện Nậm Pồ (Điện Biên) tự giác giao nộp vũ khí cho cơ quan công an. |
Theo báo cáo từ Bộ Công an cho thấy, tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao. Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động, gây bức xúc dư luận xã hội, tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.
Bên cạnh đó, tình trạng đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với đối tượng sử dụng trái phép súng quân dụng, đối tượng sử dụng trái phép vũ khí thô sơ diễn biến rất phức tạp. Các loại vũ khí nêu trên khi sử dụng để gây án, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm như vũ khí quân dụng.
Thế nhưng, theo quy định của luật hiện hành, súng tự chế, vũ khí thô sơ không thuộc danh mục vũ khí quân dụng. Do đó, cần thiết phải bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ. Khi đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí quân dụng, nhằm mục đích điều chỉnh nhận thức, hành vi của đối tượng, giảm nguồn tội phạm.
Bên cạnh đó, để quản lý, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm nêu trên, theo Bộ Công an cần quy định quản lý về hoạt động chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa các loại dao này vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Hiện nay, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định các khái niệm về vũ khí chưa khái quát, còn tách bạch giữa vũ khí quân dụng với các loại vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao. Trong khi các loại vũ khí này đều được trang bị cho lực lượng vũ trang và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc luyện tập thi đấu thể thao.
Thực tế, các loại vũ khí nêu trên khi các đối tượng sử dụng để gây án đều có tính sát thương cao, gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người.
Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tháng tư vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh và khẳng định, việc xây dựng, thông qua dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan.
Việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các khái niệm cũng như chế tài xử phạt phù hợp với thực tiễn. Đây là bước sửa đổi cần thiết để từng bước kiềm chế loại tội phạm ngày càng manh động, phức tạp này, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Hiện nay, tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỉ lệ rất cao (16.841 vụ, 26.472 đối tượng, chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng). Tình trạng đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều so với đối tượng sử dụng trái phép súng quân dụng (1.783/330 vụ, 2.589/546 đối tượng). Đối tượng sử dụng trái phép vũ khí thô sơ diễn biến rất phức tạp (8.537 vụ, 17.632 đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, chiếm 29,7% tổng số vụ, 36% tổng số đối tượng).
(Nguồn: Bộ Công an)