Đã đến lúc cần lên tiếng cảnh báo về thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm cũng như động cơ trục lợi quá đáng dẫn đến nạn xâm hại và tàn phá một số di tích, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng ở Lâm Ðồng.
Với đặc điểm tự nhiên và xã hội mang những nét đặc trưng, Ðà Lạt - Lâm Ðồng là một trong những vùng đất chứa trong mình nhiều di sản vô giá, trong đó có hệ thống các di tích, danh lam, thắng cảnh vô cùng giá trị.
Ðến nay, nhiều di tích, danh thắng ở Lâm Ðồng đã được bảo tồn và phát huy trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cũng như góp phần làm phong phú thêm đời sống nhân văn của người dân địa phương và du khách.
Tuy nhiên, tình trạng bóc lột quá giới hạn cho phép và xâm hại vào không gian của một số di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia cũng đã đến lúc phải lên tiếng cảnh báo...
Theo ông Ðinh Bá Quang, Trưởng phòng Quản lý di tích, danh lam, thắng cảnh, Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) Lâm Ðồng, thống kê đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 153 di tích, danh thắng lịch sử, văn hóa. Trong đó, hiện nay đã có 17 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; và 14/17 di tích quốc gia này đã được các thành phần kinh tế đưa vào khai thác kinh doanh du lịch.
Cũng theo ông Quang, việc các di tích, danh thắng được đầu tư, tôn tạo và khai thác phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội là hoàn toàn đúng đắn. Có như thế, giá trị của di tích mới thật sự được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia khai thác kinh doanh tại các di tích, danh thắng cũng như các cơ quan có trách nhiệm quản lý chưa thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa và các quy định do Nhà nước ban hành.
Ông Trần Cảnh Ðào, Phó Giám đốc Sở VH-TT Lâm Ðồng cũng tỏ ra bức xúc: "Hiện nay, việc đầu tư các sản phẩm du lịch trong khu vực di tích danh lam, thắng cảnh quốc gia ở Lâm Ðồng đang đứng trước những thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Việc tài nguyên là danh lam, thắng cảnh đưa vào khai thác phục vụ du lịch hết sức tùy tiện, mạnh ai nấy làm, không thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa".
Cùng đó, các vị có trách nhiệm của ngành VH-TT Lâm Ðồng cung cấp cho chúng tôi hàng loạt những sai phạm của các đơn vị tham gia đầu tư, khai thác (hoặc sử dụng) các di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia.
Gần đây, trên đỉnh núi Lang Bian nổi tiếng, một cột ăng-ten phát sóng cao hơn 50 mét của Bưu điện Lâm Ðồng đã được dựng trên phần đất thuộc khu vực 1 của di tích (khu vực tuyệt đối không được can thiệp). Tiếp đó, cáp treo qua thác Prenn của Công ty Ðà Lạt Toserco và máng trượt ống tại thác Ðạtănla của Công ty Du lịch Lâm Ðồng vừa mới đầu tư gần 20 tỷ đồng và đã đưa vào sử dụng cũng nằm trên khu vực 1 của các danh thắng này.
Thực hiện đúng chức năng của mình, Sở VH-TT đã mời các ngành trên đến làm việc. Thế nhưng, câu trả lời mà Sở được nghe nhiều là: "Chúng tôi không biết đây là danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia. Vì tỉnh đã cho phép nên chúng tôi làm". Ðó là cách nói thiếu trách nhiệm và sự thiếu trách nhiệm cũng như thiếu hiểu biết về Luật Di sản văn hóa, có lẽ lại bắt đầu từ những người tham mưu cho lãnh đạo tỉnh khi ký cho phép ra đời các công trình nói trên.
Theo Giám đốc Sở, vấn đề ở đây là họ không phải không biết, không hiểu Luật mà họ cố tình phớt lờ làm ngơ, đặt cơ quan chức năng trước sự đã rồi, đành phải nhận tiền nộp phạt và chấp nhận sự tồn tại của các công trình đó.
Gần đây, một dự án khá quan trọng được triển khai trong khu vực có thắng cảnh quốc gia Thung Lũng Tình Yêu trên địa bàn TP Ðà Lạt phải thay đổi giữa chừng.
Ngày 31-5-2005, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã ký văn bản số 5252/UBND chấp thuận về vị trí, diện tích để Công ty Ðiện lực 2 được xây dựng trạm biến thế điện 110 kV-Ðà Lạt 2 với diện tích đất là 8.230m2 (trong đó gối đầu vào khu vực 2 của thắng cảnh 200m2) theo họa đồ đề nghị của Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Ðồng để chủ đầu tư lập dự án.
Ðược biết, đây là dự án lưới điện và trạm biến áp 100 kV trên địa bàn TP Ðà Lạt thuộc hiệp định vay tín dụng của Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng thế giới. Thế nhưng, do các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh không "nghiên cứu" kỹ Luật Di sản văn hóa, cho nên mới xảy ra điều đáng tiếc.
Ngày 13-4-2006, UBND tỉnh Lâm Ðồng có công văn số 1901/UBND gửi Bộ VH-TT đề nghị xem xét, có ý kiến thống nhất để chủ đầu tư sớm triển khai công trình. Ngày 26-4-2006, Bộ VH-TT đã có công văn trả lời cụ thể: Theo điểm B, khoản 1, điều 32 Luật Di sản văn hóa thì tại khu vực 2 của di tích chỉ được xây dựng các công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích, vì vậy, Bộ VH-TT đề nghị UBND tỉnh Lâm Ðồng lựa chọn địa điểm khác phù hợp để Công ty Ðiện lực 2 xây dựng trạm điện nói trên.
Thế là, sau nhiều thời gian chuẩn bị tốn nhiều công sức và tiền của, một dự án hết sức quan trọng sắp làm lễ khởi công đã phải chuyển sang địa điểm khác, mà nguyên do chỉ vì cơ quan tham mưu của tỉnh đã không tìm hiểu trước về các quy định liên quan đến công tác quản lý di tích, danh thắng đã được Nhà nước xếp hạng...
Nhiều doanh nghiệp nhận đầu tư, khai thác các di tích, danh thắng và họ quên mất khâu "đầu tư" mà chỉ chú trọng vào khâu "khai thác". Trước đây, dư luận đã lên tiếng về việc Công ty Thùy Dương chỉ biết bán vé thu tiền du khách và "bóc lột" hồ Than Thở mà không hề nạo vét, tôn tạo để cho hồ nước này cạn đến trơ đáy.
Rồi thác Cam Ly nổi tiếng do Công ty Ðà Lạt Toserco quản lý đã để xảy ra tình trạng ô nhiễm nặng, gây phản cảm và bất bình đối với du khách khi phải mua vé vào cổng rồi bịt mũi đi ra. Tại thác Gougah, một nhà máy sản xuất nước đá tư nhân chiếm trọn phần chân thác, đồng thời, máy phát điện của nhà máy này lại đặt chắn ngay khu vực 1 của thác.
Dù UBND tỉnh Lâm Ðồng đã chỉ đạo huyện Ðức Trọng xử lý nhưng ba năm đã trôi qua mà vẫn chưa giải tỏa được nhà máy nước đá "vô lý" này để bảo vệ thắng cảnh quốc gia thác Guogah. Khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu và hồ Ða Thiện bị xâm hại nghiêm trọng bởi nạn khai thác khoáng sản trái phép kéo dài nhiều năm; chính quyền và cơ quan quản lý thắng cảnh này đã có lúc bất lực. Thác Pongour - một thắng cảnh nổi tiếng - là địa chỉ hấp dẫn của các nhà đầu tư du lịch.
Từ năm 1998, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã cho phép Công ty TNHH Du lịch - Dịch vụ Ðất Nam thuê đất để đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái với thời hạn là 20 năm. Qua 10 năm, đến nay, công ty này chỉ mới đầu tư vào đây 1,3 tỷ đồng/4,3 tỷ theo dự án. Trong quá trình đầu tư tại thác Pongour, công ty Ðất Nam cũng đã có hàng loạt vi phạm Luật Di sản văn hóa như: xây khu nhà vệ sinh dưới thác, bắc cầu sắt qua thác, chặt phá cây tự nhiên để trồng loại cây khác, san ủi đường xuống thác - phá vỡ nghiêm trọng cảnh quan của thắng cảnh quốc gia này.
Huyện Ðức Trọng - địa phương nơi có thắng cảnh thác Pongour, đã gửi tờ trình đến các cơ quan chức năng phản ánh: "Việc đầu tư của Công ty TNHH Du lịch - Dịch vụ Ðất Nam vào khu du lịch thác Pongour là chắp vá, manh mún, vốn quá ít, không có khả năng tài chính thực hiện dự án, chủ yếu đi vào khai thác bán vé cho khách tham quan mà không chú trọng đầu tư, tôn tạo thắng cảnh...". Như vậy, vẫn là cách làm tùy tiện và chỉ chú tâm "bóc lột", lợi dụng thu lợi mà quên mất việc phải bảo vệ và đầu tư cho di tích, danh thắng...
Như phản ánh trên đây, đã đến lúc cần lên tiếng cảnh báo về thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm cũng như động cơ trục lợi quá đáng dẫn đến nạn xâm hại và tàn phá một số di tích, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng ở Lâm Ðồng.
Luật Di sản văn hóa đã được thực thi và tại địa phương cũng có ngành VH-TT với chức năng thẩm định, tham mưu về lĩnh vực này, mong rằng, trước khi lập một dự án đầu tư, chính quyền và các ngành chức năng cũng nên tham khảo.
Ðồng thời, phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, học tập Luật Di sản và các quy định của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân để họ biết trân trọng và bảo vệ các di tích, danh thắng, những di sản vô giá trên quê hương mình.
UÔNG THÁI BIỂU