Ngăn chặn tình trạng lừa đảo tại các dự án nhà, đất

Người dân cần tìm hiểu kỹ pháp lý các sản phẩm nhà, đất trước khi đặt cọc tiền; thận trọng với những quảng cáo nhà, đất giá rẻ, khả năng sinh lợi cao… Đó là lời khuyên của các chuyên gia pháp lý trước tình trạng lừa đảo chào bán các dự án nhà, đất không có thật ngày càng gia tăng tại TP Hồ Chí Minh…

UBND xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn lập bảng cảnh báo người dân về những dự án nhà, đất không đủ điều kiện pháp lý.
UBND xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn lập bảng cảnh báo người dân về những dự án nhà, đất không đủ điều kiện pháp lý.

Tháng 7-2018, anh Đỗ Văn Quyết, ngụ quận 12, ký hợp đồng đặt cọc mua lô đất có mã số D18 tại tờ bản đồ số 2 ở phường Tân Chánh Hiệp (quận 12) với Công ty TNHH Đo đạc tư vấn thiết kế xây dựng DCB (Công ty DCB), có địa chỉ tại số 63, đường Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, theo bản vẽ do bên bán tự phân lô lập ra. Theo hợp đồng, bên mua phải đặt cọc hơn 800 triệu đồng trong tổng giá trị nền đất là 2,8 tỷ đồng. Bảy tháng sau, phía người mua phải thanh toán hết số tiền còn lại và bên bán sẽ sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua. 

Thế nhưng, đến hẹn, Công ty DCB không thực hiện được hợp đồng và cũng không hoàn trả tiền cọc cho người mua. Đến khi UBND phường Tân Chánh Hiệp khẳng định các thửa đất thuộc tờ bản đồ số 2 mà các khách hàng đã đặt cọc mua với Công ty DCB hiện đứng tên một người khác; khu đất nêu trên nằm trong quy hoạch đất công trình công cộng và hành lang an toàn điện, anh Quyết mới biết mình bị lừa.

Cũng tại quận 12, mới đây, UBND phường Tân Thới Nhất đã phát thông báo về việc “mua bán căn hộ có dấu hiệu lừa đảo tại dự án nhà ở Lê Minh, đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12”. Dự án này được nhiều tổ chức, cá nhân rao bán giá 20 triệu đồng/m2 đối với nhà ở xã hội và 26,5 triệu đồng/m2 đối với nhà ở thương mại. UBND phường Tân Thới Nhất khẳng định, trên địa bàn phường không có dự án căn hộ nhà ở xã hội nào của Công ty Lê Minh được triển khai. Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, UBND phường Tân Thới Nhất thông báo đến người dân sinh sống trên địa bàn phường và các khu vực lân cận biết để tránh bị kẻ xấu lừa đảo.

Không chỉ rao bán các dự án không có thật nhằm chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng, mới đây, Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Thiên Minh (Công ty Thiên Minh), địa chỉ: 136 H, Nguyễn Tri Phương, phường 9, quận 5, đã tố cáo một  nhóm người gồm các ông: Đào Văn Giang, Phạm Việt Anh (xưng danh là Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại - Xây dựng Vạn Hưng Phát); Đỗ Thành Long, Bùi Minh Tú (xưng danh là Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Giải pháp tài chính Golden M&A); Đào Văn Tráng (xưng danh là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển CiTy Real) có hành vi giả mạo hồ sơ, giấy tờ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đơn tố cáo của Công ty Thiên Minh, nhóm đối tượng nêu trên đã giả mạo hồ sơ, tài liệu, tự xưng là chủ đầu tư và đơn vị môi giới độc quyền dự án chung cư Vạn Hưng Phát (số 339 đường Bông Sao, phường 5, quận 8) nhằm chào mời hợp tác để chiếm đoạt của Công ty Thiên Minh 10 tỷ đồng…

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng tại TP Hồ Chí Minh đã quyết liệt xử lý nghiêm hành vi thu lợi bất chính, lừa bán các dự án nhà, đất không đủ pháp lý, trong đó có khởi tố, bắt giam hàng loạt chủ đầu tư các dự án, nhưng nhiều người dân vẫn tiếp tục rơi vào bẫy của các dự án ảo, bị lừa tiền tỷ. Nguyên nhân là do còn thiếu minh bạch trong công khai quy hoạch, dự án; chính quyền nhiều địa phương còn thiếu trách nhiệm trong hoạt động giám sát, kiểm tra quản lý quy hoạch…

Luật sư Nguyễn Huy Việt, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, theo Luật Kinh doanh bất động sản, dự án nhà, đất muốn đưa vào kinh doanh, mua bán phải đủ các điều kiện pháp lý. Đối với nhà, phải được đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất trong giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, không bị tranh chấp, không bị kê biên. Với dự án nhà ở hình thành trong tương lai phải bảo đảm các điều kiện theo quy định, nhất là phải được Sở Xây dựng xác nhận dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Khi đi mua nhà, đất, để tránh rủi ro, ngoài việc yêu cầu chủ đầu tư (bên bán) cung cấp hồ sơ pháp lý chứng minh dự án nhà, đất đủ điều kiện mua bán, người dân cũng cần tìm hiểu thông tin pháp lý nhà, đất nói chung tại UBND quận, huyện nơi nhà, đất tọa lạc trước khi đặt cọc mua. UBND quận, huyện có nghĩa vụ cung cấp thông tin pháp lý về nhà, đất, dự án theo yêu cầu của người dân. 

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các đối tượng đăng thông tin mua bán dự án nhà, đất sai sự thật để lừa khách hàng. Các địa phương phải siết chặt quản lý để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, cần sớm sửa đổi những bất cập trong quy định tách thửa để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, không để cho đối tượng môi giới đất trục lợi…