Thực trạng này diễn ra nghiêm trọng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương, cho dù, một số trường hợp đã bị xử lý hình sự, tòa án xử phạt tù nhưng số vụ chống người thi hành công vụ không giảm. Tại TP Nam Định có trường hợp vi phạm bị giữ xe, đối tượng đã thuê xe ôm về nhà lấy dao rồi quay lại đâm nhiều nhát vào hai CSGT đang làm nhiệm vụ. Rất may, quần chúng nhân dân đã hỗ trợ bắt giữ đối tượng, thu giữ dao và đưa hai CSGT đi cấp cứu…
Qua khảo sát cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ chống người thi hành công vụ là do số đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây ra. Khi bị dừng xe, đối tượng tìm mọi cách xin bỏ qua, nếu lực lượng CSGT kiên quyết xử lý thì họ gây khó khăn, cản trở, không ký vào biên bản, thậm chí lăng mạ, chửi bới và đâm xe vào CSGT. Đã có ý kiến từ lực lượng Công an thẳng thắn thừa nhận, một phần lỗi gây ra các vụ chống người thi hành công vụ bắt nguồn từ thái độ ứng xử chưa đúng điều lệnh của CSGT, gây bức xúc cho người vi phạm, khiến họ có phản ứng tiêu cực. Lỗi này xuất phát từ môi trường làm việc khắc nghiệt của CSGT như làm việc ngoài trời, chịu ô nhiễm môi trường, trong khi nhiều người không tuân thủ hướng dẫn của CSGT, thậm chí phản ứng, lăng mạ dễ gây ức chế, dẫn đến mất bình tĩnh cho CSGT.
Công an tỉnh Nam Định cho biết, để giải quyết tình trạng chống người thi hành công vụ đối với lực lượng CSGT, công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục, các trường học đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật về ATGT tới các học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ trong nhân dân, để mọi người chấp hành luật khi tham gia giao thông.
Thiết nghĩ, việc thừa nhận khuyết điểm và tìm ra hướng khắc phục là kinh nghiệm tốt để lực lượng CSGT các tỉnh cùng tham khảo và thực hiện nhằm từng bước ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ.