Ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi "rác"

Tình trạng tin nhắn "rác", cuộc gọi "rác" quảng cáo, tiếp thị tiếp tục diễn ra tại TP Hồ Chí Minh gây tâm lý bực bội, mệt mỏi cho rất nhiều người.
0:00 / 0:00
0:00

Theo phản ánh của người dân thành phố, các tin nhắn "rác" phổ biến nhất vẫn là giới thiệu việc làm, các cuộc gọi chủ yếu là mời chào mua bảo hiểm, mua nhà đất, chứng khoán, vay vốn ngân hàng… Đánh vào tâm lý cần việc làm của nhiều người, các đối tượng thường nhắn tin tuyển việc làm tại nhà, chỉ cần một chiếc điện thoại di động, thu nhập 15 đến 30 triệu/tháng, thậm chí thu nhập 700.000 - 1.500.000 đồng/ngày, có thể nhận tiền trong ngày. Tuy nhiên, khi liên hệ tìm hiểu thông tin thì đây là hình thức lừa đảo. Các đối tượng yêu cầu nộp một khoản tiền trước rồi mới giao hàng bán qua mạng, nếu người dân nhẹ dạ chuyển tiền thì đối tượng sẽ khóa máy, không thể liên hệ được.

Phiền toái nhất là những cuộc gọi giới thiệu dự án đất đai, bán bảo hiểm có thể "tra tấn" bất thình lình, kể cả đang lúc ngủ trưa, với rất nhiều đầu số điện thoại khác nhau. Không ít người than phiền khi phải thường xuyên nhận các cuộc gọi quảng cáo qua máy điện thoại bàn, không thể phân biệt trước được đâu là số điện thoại quảng cáo, đâu là số điện thoại của người thân hay đối tác gọi để quyết định nghe máy hay là bỏ qua. Ngoài ra, trong các email của nhiều người còn tràn ngập các tin quảng cáo vay vốn tín dụng trên các app (ứng dụng) điện thoại với lời mời chào hấp dẫn: Không cần thế chấp, không cần chứng minh, nhận được tiền chỉ sau vài phút đăng ký… Đây phần lớn là các app tín dụng "đen" lừa đảo người vay với lãi suất rất cao.

Đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra cảnh báo, thời gian qua thường xuyên nhận được phản ánh từ người dân về việc tin nhắn "rác", nhất là các cuộc gọi giả mạo và đã có rất nhiều người bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại này. Ngoài việc đánh lừa bằng các món quà trúng thưởng, hứa hẹn công việc có thu nhập cao, các đối tượng còn thực hiện các cuộc gọi lừa đảo như: Giả mạo lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan một vụ án nghiêm trọng nào đó… khiến nhiều người "sập bẫy", mất tiền khi làm theo hướng dẫn của các đối tượng này.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã hướng dẫn người dân các giải pháp ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi "rác" như: Phản ánh qua tổng đài 5656 để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và ngăn chặn; chuyển tiếp thư điện tử rác tới địa chỉ: chongthurac@vncert.vn; phản ánh, cung cấp các bằng chứng tin nhắn rác, cuộc gọi rác và thư điện tử rác tại website: thongbaorac.ais.gov.vn; đăng ký danh sách không nhận tin nhắn quảng cáo qua website: khongquangcao.ais.gov.vn… Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện hơn 74,1 triệu cuộc gọi phát sinh từ thuê bao spam call (cuộc gọi "rác"), tăng 53% so cùng kỳ năm 2021. Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông chặn hơn 113 nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi "rác"; tổ chức cuộc họp với Bộ Công an và các doanh nghiệp viễn thông di động về xử lý các số điện thoại quảng cáo và quy trình xử lý các thuê bao có khiếu nại. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định, sim sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của các nhà mạng. Bộ cũng yêu cầu các nhà mạng phải xóa toàn bộ sim "rác", dồn sức toàn ngành để thực hiện nhiệm vụ này.

Để ngăn chặn sim "rác", tin nhắn "rác", cuộc gọi "rác" gây phiền toái người dân, mong các bộ, ngành, các cấp chính quyền TP Hồ Chí Minh cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng trong việc kiểm soát sim "rác", các đối tượng sử dụng sim "rác", nhắn, gọi quảng cáo sai quy định pháp luật.