Nhiều chính sách mới được ban hành để nhằm ứng phó kịp thời với diễn biến mới của dịch bệnh, nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa đã được triển khai, lan tỏa trong cộng đồng với mục tiêu lớn nhất là bảo đảm sức khỏe và an toàn tính mạng cho mọi tầng lớp nhân dân.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách này rất cần sự đoàn kết, quyết tâm, chung tay của cộng đồng để ngăn chặn virus làm lây lan dịch Covid-19. Vậy nhưng thay vì chung tay cùng cộng đồng chống dịch, một số cá nhân lại đang tiếp tay cho một loại virus mới, đó là "virus tin giả" hết sức nguy hiểm và độc hại. Lợi dụng khả năng tương tác và tính lan tỏa của mạng xã hội, những người này đã tùy tiện đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh; xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine; xuyên tạc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương...
Nhằm câu like, câu view, những người này thường xuyên đăng tải các thông tin giật gân, rùng rợn như người dân tự thiêu để phản đối công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Thủ Ðức; Covid-19 là loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người... gây hoang mang dư luận. Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, thông tin thiếu căn cứ về hiệu quả của vaccine, tùy tiện công kích nguồn gốc một số loại vaccine, hình thành tâm lý so đo, kén chọn trong cộng đồng. Ðáng buồn trong số đó có cả những người nổi tiếng như MC, đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên,…
Trong khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì việc tăng cường tiêm vaccine cho toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng là việc cấp bách lúc này. Thế nhưng những ý kiến cực đoan, vô căn cứ, sai sự thật lan truyền trong cộng đồng thời gian qua đã khiến cho công tác phòng, chống dịch bệnh càng khó khăn hơn. Chớp lấy cơ hội này các thế lực thù địch, phần tử phản động, cá nhân thiếu thiện chí đã nhanh chóng khai thác "virus tin giả", tạo ra những "biến chủng" mới hết sức nguy hại để chống phá Ðảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.
Theo thống kê của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, trong sáu tháng đầu năm 2021, trung tâm nhận được hơn 1,1 nghìn lượt báo cáo tin giả, xuất hiện nhiều nhất trên các mạng xã hội xuyên biên giới, như Facebook, YouTube và TikTok.
Nhiều nội dung trong số này liên quan đến Covid-19 tại Việt Nam. Trước những diễn biến phức tạp của vấn nạn tin giả đang có chiều hướng ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh, ngày 23/7 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 2765/BTTTT-PTTH&TTÐT về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng tại nhiều địa phương cũng tăng cường việc phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp đăng tải, phát tin giả, tin sai sự thật.
Để thiết thực ngăn chặn, xử lý kịp thời "virus tin giả", về phía cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện các chế tài pháp luật và nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó rất cần sự hợp tác, vào cuộc của toàn xã hội nhằm tạo "miễn dịch cộng đồng" trước làn sóng tin giả (fake news) đang lây lan nhanh.
Mỗi cá nhân cần phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân, thận trọng, tỉnh táo trước những thông tin chưa được kiểm chứng; chỉ tìm đọc thông tin từ các nguồn chính thống; kịp thời phát hiện những thông tin độc hại đang được lan truyền, phát tán để thông báo tới cơ quan chức năng; tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành của Ðảng, Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19. Chính sự hợp tác, phát huy ý thức trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân sẽ tạo ra sức đề kháng của cả cộng đồng để chống lại mọi loại virus nguy hiểm.