Ngăn chặn tác hại của rượu, bia

“Đã uống rượu, bia - không lái xe”, đây là câu khẩu hiệu được treo ở mọi nẻo đường, hàng quán, từ thành thị tới nông thôn. Song, có một thực tế, ai cảnh báo cứ cảnh báo, ai uống cứ uống, mặc cho những hậu quả có thể xảy ra phía sau mỗi chén rượu, cốc bia. Chính sự bàng quan, thờ ơ của không ít người đã khiến thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có nguyên nhân do bia, rượu liên tiếp xảy ra.

Trong kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đã tổ chức lấy ý kiến của các đại biểu về ba nội dung để đưa vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó mới chỉ có một nội dung về khung thời gian từ 18 đến 21 giờ không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình là tạo được sự đồng thuận, sẽ đưa vào luật.

Tuy nhiên, việc cần có những chế tài nghiêm khắc cho hành vi lạm dụng rượu, bia là hết sức cần thiết và cần được điều chỉnh cho kịp với thực tế xã hội, giúp đồng bộ các giải pháp nhằm giảm lượng tiêu thụ rượu, bia. Bởi những nghiên cứu, thống kê của cả các tổ chức trong nước và nước ngoài cũng cho thấy, rượu, bia đứng trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu. Chi phí dành cho rượu, bia và giải quyết hậu quả tác hại của rượu, bia đã tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển khi chiếm tới 2 đến 5% GDP quốc gia.

Cách đây vài năm, một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 địa phương cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông do rượu, bia chiếm khoảng 40%. Thống kê hằng năm cũng cho thấy, có khoảng 800 người chết do bạo lực có liên quan việc sử dụng rượu, bia, gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan việc sử dụng rượu, bia; tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm hai nước cao nhất.

Ngoài ra, lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 loại bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10 như: ung thư, loạn thần, xơ gan, tim mạch,… là một trong bốn yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm.

Có thể thấy, uống rượu, bia có chừng mực là không sai, nhưng việc cần có một bộ luật để kiểm soát, quản lý mạnh mẽ việc lạm dụng rượu, bia là điều cần thiết, góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra cho toàn xã hội. Bởi chúng ta đã mất quá nhiều thời gian để tuyên truyền về tác hại của rượu, bia, nhưng vẫn chưa thể kiềm chế, ngăn chặn triệt để những hậu quả do rượu, bia gây ra do một số quy định, chế tài xử phạt còn quá nhẹ, một số người thiếu nghiêm túc tuân thủ pháp luật, tỏ ra “nhờn luật”.

Dự kiến trong tuần này, vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ bảy, các đại biểu Quốc hội sẽ “bấm nút” biểu quyết thông qua dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, mong rằng dự thảo này được thông qua sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để kiểm soát việc thực thi những quy định đang và sẽ có trong việc phòng, chống tác hại của rượu, bia; trả lại cho những chén rượu, ly bia giá trị văn hóa đúng nghĩa, uống vừa đủ vui, chứ không phải để lại hậu quả cho toàn xã hội.