Ngăn chặn sốt xuất huyết từ ngoại tỉnh vào Lào Cai

NDO -

NDDT - Do đặc điểm có Sa Pa thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước, lại là đầu mối giao thông đường bộ với mật độ ô-tô chở khách từ nhiều địa phương miền xuôi rất lớn nên tỉnh Lào Cai có nguy cơ dịch sốt xuất huyết xâm nhập rất cao vào nội tỉnh. Ngành y tế Lào Cai đang tập trung cao độ các biện pháp chuyên môn nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết “bùng phát” ở địa phương.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cách phòng, chống bệnh SXH.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cách phòng, chống bệnh SXH.

Lưu lượng khách du lịch lớn và mật độ xe ô-tô chở khách rất cao

Lào Cai có Sa Pa, đây là khu du lịch trọng điểm, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước, trong đó có rất nhiều người từ Hà Nội và các tỉnh khác trung chuyển qua địa bàn Hà Nội để đến Sa Pa. Đây cũng chính là một nguyên nhân gia tăng nguy cơ sốt xuất huyết (SXH) từ vùng dịch “xâm nhập” vào Lào Cai.

Ngăn chặn sốt xuất huyết từ ngoại tỉnh vào Lào Cai ảnh 1

Phun thuốc diệt muỗi để phòng, chống bệnh SXH.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Lào Cai, ca SXH đầu tiên được phát hiện là bệnh nhân nữ, 27 tuổi (trú tại xã Cam Đường, TP Lào Cai), vào ngày 17-7 (đã được điều trị khỏi hoàn toàn). Tiếp đó, số bệnh nhân bị SXH tăng từng ngày, tính đến ngày 5-9, tổng cộng đã có 84 ca bệnh nhân SXH, trong đó có 75 ca xâm nhập (bị mắc bệnh là do đi vào vùng dịch ở Hà Nội trở về), chín ca nội địa, tức là là bị mắc bệnh tại địa phương.

Số lượng du khách trong và ngoài nước đến Lào Cai rất đông làm gia tăng nguy cơ lan truyền SXH. Chỉ tính riêng trong ba ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 đã có hơn năm mươi nghìn du khách đến Sa Pa; trong thời gian này, ngành y tế phát hiện được thêm chín người bị nhiễm bệnh SXH, phải đưa tới các cơ sở y tế tại tỉnh để điều trị.
Bên cạnh đó, Lào Cai là đầu mối giao thông đường bộ, với Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, do đó mật độ xe ô-tô chở khách rất cao. Hiện tại, các xe ô-tô chở khách loại lớn (kể cả loại có giường nằm) đã “thông tuyến” về tận các huyện vùng cao, vùng sâu. Đây cũng là nguy cơ lây lan bệnh SXH, do muỗi mang mầm bệnh theo các khoang chở hàng của xe ô-tô phát tán thụ động vào các địa phương của tỉnh như: Bảo Thắng, Văn Bàn, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai.

Chủ động ngăn chặn dịch SXH, không để bùng phát thành dịch

Ngăn chặn sốt xuất huyết từ ngoại tỉnh vào Lào Cai ảnh 2

Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân bị mắc bệnh SXH ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, đến nay đơn vị đã thực hiện xét nghiệm chuyên môn, qua đó đã xác định được véc tơ truyền bệnh tại thành phố Lào Cai, tức là đã có muỗi mang mầm bệnh và đang lưu hành tại Lào Cai. Đây là nguy cơ đặc biệt nguy hiểm. Mặt khác, trong nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai không phải vùng lưu hành SXH, lưu hành dịch, do đó miễn dịch quần thể đối với sốt xuất huyết ở mức thấp nên khả năng lây lan, bùng phát nhanh, tỷ lệ tử vong cao nếu dịch xảy ra.
Trong thời gian tới, lượng học sinh, sinh viên từ địa phương trở về học tập tại các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, Thái Nguyên… tăng cao, đây là thời điểm bắt đầu chu kỳ di chuyển lượng lớn người từ nơi có yếu tố bệnh dịch về địa phương, làm gia tăng nguy cơ lan truyền dịch bệnh SXH ở Lào Cai.

Từ đánh giá, nhận định tình hình như trên, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai ra Chỉ thị và Kế hoạch cần thiết, yêu cầu các ngành và chính quyền các địa phương chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp ngăn chặn SXH, không để lây lan, bùng phát thành dịch ở địa phương. Theo đó, các cấp ủy đảng và chính quyền chỉ đạo và giám sát các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia công tác phòng, chống SXH; lấy tổ dân phố và thôn bản làm trung tâm để tập huấn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp diệt muỗi và nơi sinh sản của muỗi gây bệnh. Đặc biệt, tập trung mạnh vào các trường học, để mỗi giáo viên và học sinh là người đi đầu trong tuyên truyền, vận động và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH.

Tính đến nay, ngành y tế Lào Cai đã thực hiện phun thuốc diệt muỗi ở các địa bàn trọng điểm, có nguy cơ gây bệnh cao như bến tàu, bến xe, chợ và các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa có nguy cơ cao, do môi trường không bảo đảm vệ sinh. Tổ chức tập huấn phòng, chống SXH cho hàng trăm cán bộ y tế cơ sở và cán bộ cấp xã, thôn bản. Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, giám sát phát hiện điều tra ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm chẩn đoán, để không bị động trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể xảy ra ở địa phương, kịp thời ngăn chặn và khống chế dịch bệnh hiệu quả.