Ngăn chặn sách lậu, sách giả

Sản xuất, buôn bán sách giả, sách lậu, trong đó có số lượng không nhỏ sách giáo khoa, sách tham khảo... vẫn là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà xuất bản và người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Ngăn chặn sách lậu, sách giả ảnh 1

Cuốn sách "Những mảnh ký ức 1979-1989 Chuyện kể từ biên giới phía Bắc" bị in giả (bên trái). (Ảnh: HOÀNG ANH)

Nghiêm trọng hơn, với những sách in bị mờ, không bảo đảm quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ức chế cho độc giả, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thể chất của học sinh, nhất là về thị lực.

Theo thống kê sơ bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến nay đã có trên 37 triệu bản sách giáo dục và hơn 18 tấn bán thành phẩm sách giáo dục in lậu dở dang đã bị phát hiện và xử lý tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các cơ quan chức năng tiến hành nhiều đợt kiểm tra và phát hiện các hành vi in lậu, phát hành sách giáo khoa giả.

Gần đây nhất, vào ngày 16/7, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế-môi trường, Công an tỉnh và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại TP Cần Thơ đã phát hiện và bắt giữ số lượng sách giáo khoa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì, không có hóa đơn chứng từ kèm theo với số lượng lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Qua hai ngày kiểm đếm và phân loại số lượng, chủng loại sách giáo khoa, đã xác định được tổng số lượng sách giả mạo nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 79.103 quyển với tổng giá trị theo giá được in trên sách là gần 1,4 tỷ đồng.

Sách giả được làm rất tinh vi, nhìn bên ngoài giống sách thật, nhưng về chất lượng in sẽ không đạt yêu cầu. Sách giáo dục giả nếu có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin… sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung (đặc biệt nguy hiểm nếu thiếu đường nét biên giới, vấn đề biển đảo), từ đó ảnh hưởng xấu kiến thức của học sinh.

Khi sử dụng sách giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ trong quá trình học tập. Đó là chưa kể, sách giả ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của giáo viên, tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết; triệt tiêu sự sáng tạo và làm thất thu ngân sách nhà nước.

Sách giả được làm rất tinh vi, nhìn bên ngoài giống sách thật, nhưng về chất lượng in sẽ không đạt yêu cầu. Sách giáo dục giả nếu có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin… sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung (đặc biệt nguy hiểm nếu thiếu đường nét biên giới, vấn đề biển đảo), từ đó ảnh hưởng xấu kiến thức của học sinh.

Nguyên nhân dẫn đến việc vẫn còn sách lậu, sách giả xuất phát từ lợi nhuận rất lớn; nhận thức, ý thức về bảo vệ bản quyền của một bộ phận người tiêu dùng chưa cao. Thực tế trên thị trường vẫn luôn có một bộ phận khách hàng muốn mua sách với giá thành rẻ, được chiết khấu cao do họ chưa có ý thức về bảo vệ bản quyền, đồng thời cũng chưa hiểu việc sử dụng sách lậu, sách giả là tiếp tay cho việc vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, sách giáo dục bị làm giả thường được in và phát hành nhanh chóng ngay tại thời điểm kết thúc năm học và chuẩn bị bước sang năm học mới nhằm đáp ứng nhu cầu tức thì của thị trường trước khi sách thật có thể được phân phối rộng rãi.

Để ngăn chặn sách lậu, sách giả, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các biện pháp bảo vệ quyền lợi của giáo viên, học sinh. Các nhà xuất bản tích cực, chủ động trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện công tác phòng chống sách lậu, sách giả.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã áp dụng các công nghệ mới để ngăn ngừa sách giáo dục giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như: mã vạch, mã QR, tem chống giả đặc thù, tem công nghệ mới dán trên xuất bản phẩm để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật, sách giả...

Đơn vị này đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền địa phương... để phát hiện, xử lý các hành vi in và phát hành sách giả; đồng thời, khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và học sinh tìm mua sách tại hệ thống phân phối chính thức của nhà xuất bản, các công ty sách-thiết bị trường học địa phương, không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải sách in lậu, sách giả.

Để xử lý triệt để tình trạng sách lậu, sách giả cần có sự chung tay của nhiều bên, trong đó, rất cần sự “thông thái” của người tiêu dùng. Các đơn vị xuất bản cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời, nâng cao phát triển các công nghệ in ấn chất lượng cao. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần thành lập thêm các đoàn thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân, các đơn vị thương mại điện tử kinh doanh sản phẩm này.