Đám cháy được lực lượng chức năng khống chế, dập tắt trong vòng 13 phút kể từ khi tiếp nhận thông tin, nhưng đã để lại hậu quả nặng nề khiến năm người chết. Theo báo cáo bước đầu của lực lượng chức năng, thời điểm xảy ra đám cháy trong nhà có bảy người. Ngôi nhà xảy ra cháy gồm hai tầng và một tum, tổng diện tích khoảng 41m2, có lối thoát hiểm trên nóc nhà.
Do căn nhà dạng ống, diện tích nhỏ hẹp, không có đường thoát nhiệt cho nên khi đám cháy xuất phát từ tầng một đã làm nhiệt độ trong nhà tăng cao, khói đặc kín, khiến năm người mắc kẹt tại tầng hai, chỉ có hai người kịp thoát nạn qua lối thoát hiểm. Vụ cháy thêm một lần nữa là hồi chuông báo động về nguy cơ cháy, nổ tại các chung cư, khu tập thể cũ.
Theo số liệu của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 2.483 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực, trong đó có 1.569 chung cư, nhà tập thể cũ. Nhằm khắc phục các hạn chế, trong thời gian qua nhiều quận, huyện, cơ sở đã bố trí kinh phí, trang bị phương tiện báo cháy, chữa cháy... nhưng vẫn còn 1.316 cơ sở, phần lớn là chung cư, tập thể cũ chưa xây dựng kế hoạch, phương án khắc phục. Nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ này do việc phân loại, xác định chủ sở hữu các chung cư, nhà tập thể cũ để bố trí nguồn kinh phí gặp rất nhiều khó khăn vì các khu nhà này tồn tại từ lâu.
Hồ sơ quản lý, theo dõi không đầy đủ và phần lớn các căn hộ chung cư, tập thể cũ đã bán cho người dân, trong khi theo Luật Nhà ở, trách nhiệm cải tạo, sửa chữa, khắc phục các nội dung tồn tại về phòng cháy, chữa cháy thuộc về người dân.
Không ít người dân vẫn bất chấp hiểm họa cháy nổ khi tự ý bịt kín cửa sổ, ban công, lô gia, dựng chuồng cọp để tăng diện tích sử dụng, để vật dụng cá nhân tại hành lang, cầu thang và nhất là lấn chiếm không gian chung để cơi nới, xây dựng công trình, gây cản trở lối thoát nạn. Nguy cơ cháy nổ tại các chung cư, tập thể cũ luôn rình rập.
Để ngăn chặn cháy, nổ tại các chung cư, tập thể cũ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp khắc phục. Thống kê danh sách công trình vi phạm, nêu rõ lộ trình, tiến độ, thời gian khắc phục đối với từng công trình. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tự giác khắc phục các hạn chế đối với từng căn hộ, công trình cụ thể; đồng thời xử lý nghiêm vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, không để phát sinh các vi phạm mới.
Minh Vân