Nguy cơ đáng báo động
Trước đây, các bệnh lý mạch máu thường chỉ gặp ở những người hơn 60 tuổi, tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những con số đáng báo động đến từ những người mắc bệnh lý tắc nghẽn mạch máu não, bị đột quỵ ngày càng gia tăng. Ðặc biệt, điều đáng lo ngại là số người trẻ tuổi mắc bệnh chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Nhật Tiên, Tổng Thư ký Hội Bệnh mạch máu Việt Nam bày tỏ lo ngại: Nhiều bệnh lý mạch máu nguy hiểm có thể gây biến chứng nặng, phải cắt cụt chi, thậm chí tử vong. Ðó là bệnh lý như bệnh hẹp tắc các động mạch ngoại biên, bệnh phình và lóc tách động mạch chủ. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng thực tế cho thấy, các bệnh lý mạch máu xuất hiện nhiều ở những người trẻ trong vài năm trở lại đây và mức độ phức tạp tăng dần. Số bệnh nhân dưới 30 tuổi bị nhồi máu cơ tim, tắc mạch cảnh nuôi não gây đột quỵ não ngày càng gia tăng.
Các bệnh lý mạch máu thường tập trung ở ba vị trí dễ bị "tắc, hẹp" là mạch vành, mạch máu não và mạch máu chi dưới. Cả ba mạch máu này là hệ quả của bệnh lý xơ vữa động mạch. Ðây là nguyên nhân chính của nhiều bệnh mạch máu, ảnh hưởng đến các động mạch trên khắp cơ thể và là tác nhân chính gây ra bệnh tim và đột quỵ. Theo đó, tắc ở mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim; ở mạch máu não gây thiếu máu não, gây đột quỵ; còn suy giãn tĩnh mạch chi dưới có thể gây ra hoại tử chân. Tất cả những bệnh lý này đều có thể biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong.
Mạch máu được ví như một hệ thống ống dẫn đưa máu đi nuôi cơ thể. Bệnh mạch máu là tình trạng ảnh hưởng đến mạch máu, có thể ảnh hưởng đến động mạch, tĩnh mạch hoặc mạch bạch huyết trên khắp cơ thể. Nhóm bệnh lý này sẽ ảnh hưởng đến mạch máu toàn thân như mạch não (gây đột quỵ), mạch vành hay mạch máu nuôi tim (gây nhồi máu cơ tim, đau ngực), hệ mạch chủ (ngực và bụng) gây vỡ mạch hoặc tắc mạch, hệ mạch tạng (biểu hiện đa dạng ở gan, thận, ruột...) và mạch máu ngoại vi (gây biểu hiện đau chi dưới khi đi lại, loét hoặc hoại tử chi).
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ðỗ Văn Chiến, Phó Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Hiện nay, số lượng người trẻ bị đột quỵ hoặc bệnh tim mạch (CVD) trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng ngày càng tăng. Hệ lụy này phần lớn đến từ lối sống thiếu tích cực, ít vận động của nhiều người trẻ cũng như sự thiếu nhận thức của người dân về tính chất nghiêm trọng đối với những bệnh lý liên quan đến mạch máu. Vì thế, những bệnh nhân mắc bệnh lý mạch máu hầu hết chỉ được phát hiện khi đã bị biến chứng nghiêm trọng.
Ðiều dễ nhận thấy là đại dịch Covid-19 từng khiến cả xã hội có một khoảng thời gian giãn cách khá dài, gây hạn chế các hoạt động tập luyện thể lực kể cả ở nhóm người vốn chăm chỉ, cộng thêm sự phát triển của hội chứng YOLO (You only live once-Bạn chỉ sống một lần) - lựa chọn của những người chỉ thích sống một mình, có thời gian trở thành trào lưu ở một bộ phận giới trẻ trên khắp toàn cầu, thậm chí cả ở người đã trưởng thành sau đại dịch đã dẫn đến việc các thói quen xấu và có hại được nhân rộng và khó kiểm soát.
"Ðiều trị nhóm bệnh lý này là một lĩnh vực chuyên ngành sâu, khi bị bệnh cần phải được điều trị bằng thuốc (nội khoa), can thiệp mạch máu và phẫu thuật mạch máu trong các trường hợp cụ thể. Với mỗi bệnh nhân sẽ có những chỉ định điều trị khác nhau, liên quan đến vị trí mạch bị tổn thương, số mạch máu bị ảnh hưởng, năng lực và trang thiết bị sẵn có của cơ sở y tế. Tuy nhiên, phòng bệnh chắc chắn tốt hơn chữa bệnh, chúng ta cần ngay lập tức thay đổi lối sống tích cực để tránh những hệ quả khó lường", Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Thắng, Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội chia sẻ.
Hạn chế rủi ro
Theo thông tin từ Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý mạch máu thường do: Hút thuốc, chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều muối và chất béo bão hòa; ít vận động; béo phì; tăng huyết áp và tiểu đường. Ðối với đối tượng trẻ em hoặc người trẻ tuổi, các yếu tố gây tình trạng ức chế quá mức hoặc kích thích quá mức như khả năng chịu đựng stress kém, áp lực học tập, sử dụng các chất gây nghiện (nhất là thuốc lá điện tử và các dạng ma túy tổng hợp hoặc tự nhiên), ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin không lành mạnh trên môi trường mạng internet, và lối sinh hoạt không lành mạnh (không chơi thể thao, tắm đêm, tắm ngay sau khi chơi thể thao...). Thêm vào đó, do quá trình đô thị hóa và thay đổi lối sống của xã hội, nhất là giới trẻ cũng tác động không nhỏ khiến cho các yếu tố nguy cơ này càng trở nên trầm trọng hơn.
Ở Việt Nam, nhiều người chưa có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, có trường hợp đi khám sức khỏe định kỳ nhưng lại khám kiểu hình thức, sơ sài, không khảo sát cấu trúc quan trọng trong cơ thể. Ðể hạn chế các cơn đột quỵ và bệnh tim mạch ở người trẻ tuổi đòi hỏi cần có sự thay đổi toàn diện, bao gồm giáo dục về các yếu tố nguy cơ, thúc đẩy lối sống lành mạnh, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và người bệnh cần được can thiệp sớm.
PGS, TS Nguyễn Hữu Ước, Chủ tịch Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, người trẻ trong xã hội hiện đại thường xuyên đối mặt với áp lực công việc, lối sống ít vận động, mắc nhiều bệnh rối loạn chuyển hóa, béo phì, xơ vữa động mạch, thói quen hút thuốc lá dẫn đến nguy cơ mắc bệnh mạch máu ngày càng gia tăng.
Theo Tổng Thư ký Hội Bệnh mạch máu Việt Nam Lê Nhật Tiên, tại Trung tâm tim mạch và lồng ngực Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức (Hà Nội) cũng như nhiều trung tâm tim mạch lớn trên cả nước, hằng năm, mỗi bệnh viện có khoảng 400-800 bệnh nhân cao tuổi được mổ và can thiệp điều trị hẹp, tắc động mạch chi dưới, trong đó đa phần là các trường hợp thiếu máu trầm trọng chi do phát hiện muộn, hoặc điều trị chưa dứt điểm, dẫn đến nhiều trường hợp phải phối hợp cắt cụt ngón chi sau can thiệp, phẫu thuật. Hoặc với bệnh lóc động mạch chủ type A, là bệnh cấp cứu trong tim mạch, cũng có xu hướng gặp ngày càng nhiều ở Việt Nam do gia tăng bệnh lý tim mạch liên quan đến cao huyết áp và tuổi thọ. Ðây là một trong những nguyên nhân chính gây ra đột tử ở người khỏe mạnh. Phẫu thuật điều trị bệnh lý này được coi là phức tạp, nặng nề và tốn kém nhất trong các phẫu thuật tim mạch thông thường. Trong ba năm, từ năm 2020-2022, tại nhiều trung tâm y học lớn trong nước, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đã phẫu thuật điều trị cho hơn 500 ca lóc động mạch chủ type A.
Ðể phòng bệnh tim mạch nói chung và các bệnh lý mạch máu nói riêng, mỗi người cần tự kiểm soát các nguy cơ bệnh lý thông qua việc thay đổi lối sống, như: Không hút thuốc lá, cả chủ động và thụ động, nhất là các loại thuốc lá điện tử, các chất gây nghiện; không để bị thừa cân; hạn chế và giảm sử dụng thịt đỏ cũng như các chất béo, tập thể dục thường xuyên, nên tắm trước khi đi ngủ ít nhất hai giờ đồng hồ, tránh tắm ngay sau khi chơi thể thao và luôn lưu ý các phương pháp sàng lọc điều trị y tế như kiểm soát huyết áp và mức cholesterol trong máu. Tất cả những thay đổi này có thể giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh mạch máu và cải thiện sức khỏe tim mạch nói chung. Thêm vào đó, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm các bệnh lý mạch máu.
Nhìn chung, các bệnh mạch máu là mối quan tâm đáng kể về sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam, đòi hỏi cần có các chiến lược toàn diện tập trung vào phòng ngừa, phát hiện sớm và quản lý hiệu quả để giảm gánh nặng cho cá nhân cũng như hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Cùng với sự ra đời của Hội Bệnh mạch máu Việt Nam (VNVDA) vào tháng 6/2021, sự phát triển của chuyên ngành này đang bắt đầu có tiếng nói riêng tại các cơ sở y tế trong nước. Hội nghị khoa học toàn quốc Hội Bệnh mạch máu Việt Nam lần thứ 3 diễn ra từ ngày 6-9/6/2024 đã thu hút gần 1.000 lượt đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến, là các chuyên gia đến từ trong nước và nước ngoài, hội viên từ nhiều chuyên ngành khác nhau, nhưng có điểm chung là đều xoay quanh tiêu điểm điều trị bệnh lý mạch máu.