Ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi

Gần đây, tình trạng cho vay với lãi suất "cắt cổ" tại một số địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tuy có giảm, nhưng có những biến tướng đáng lo ngại. Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng cho vay nặng lãi đã biến nhiều người trở thành nạn nhân để trục lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng triệt phá ổ nhóm cho vay nặng lãi qua ứng dụng. (Ảnh Công an tỉnh Lào Cai cung cấp)
Lực lượng chức năng triệt phá ổ nhóm cho vay nặng lãi qua ứng dụng. (Ảnh Công an tỉnh Lào Cai cung cấp)

Ðể đấu tranh với tội phạm cho vay lãi nặng đang hoành hành, các địa phương, các cấp, các ngành tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn tệ nạn này.

"Tín dụng đen" hoành hành

Ngày 21/1, Công an huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Ðình Dương, 26 tuổi, ngụ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Ðịnh và Nông Quốc Phong, 22 tuổi, ngụ huyện Krông Nô, tỉnh Ðắk Nông để điều tra hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo thông tin ban đầu, hai đối tượng này đã thu lợi bất chính của 33 người hơn 128 triệu đồng. Công an huyện Mỹ Tú tiếp tục xác minh, làm rõ thêm vụ việc đối với khoảng 70 bị hại khác.

Trước đó không lâu, Công an quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ đã làm việc với nhóm bốn người có hành vi chuyên cho vay lãi nặng, lãi suất mỗi tháng lên đến 20%. Các đối tượng khai nhận, hằng ngày đi thu tiền góp cho đối tượng tên Thiêm, được trả công từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Nạn nhân là các tiểu thương, người buôn bán nhỏ ở các quận, huyện trên địa bàn Cần Thơ… Ðó chỉ là hai trong số rất nhiều vụ cho vay lãi nặng bị lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chị Nguyễn Thị T.H ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, cho biết khi cần tiền làm ăn, qua tờ rơi, chị H liên hệ với số điện thoại của một nhóm chuyên cho vay tiền. Chỉ vài giờ sau, người của nhóm này đến tận nhà cho chị H vay 10 triệu đồng, lãi suất 20%/tháng. Do buôn bán không thuận lợi, việc trả tiền của chị H không suôn sẻ… thế là chị và gia đình liên tục bị đe dọa.

Một trường hợp khác là anh N. T. V ngụ thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Do cần tiền để người thân trị bệnh, anh V phải vay tiền với lãi suất cao từ một số đối tượng. Lãi mẹ đẻ lãi con, chỉ trong một thời gian rất ngắn, số nợ đã nhân lên nhiều lần. Dù đã xoay xở nhiều cách để kiếm tiền trả nợ nhưng anh V vẫn không đủ trả lãi. Mỗi lần trả tiền lãi trễ, các đối tượng cho vay tới tận nhà mắng chửi, khiến anh phải trốn đi nơi khác…

Thời gian qua, sau khi cơ quan chức năng tích cực truy quét, các đối tượng cho vay lãi nặng chuyển sang núp bóng doanh nghiệp hoặc hoạt động lén lút, không có cơ sở, địa điểm cụ thể. Ðáng chú ý, đang nổi lên loại hình cho vay qua internet với lãi suất rất cao.

Hiện, tại các khu vực đông dân cư hoặc khu công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều đối tượng rải tờ rơi để tiếp cận người có nhu cầu vay tiền. Trên tờ rơi có những lời mời gọi hấp dẫn, như: Cho vay trả góp không cần thế chấp, thủ tục cực kỳ đơn giản, giải quyết cho vay nhanh chóng hay cung cấp dịch vụ hỗ trợ tài chính, chỉ cần hộ khẩu... Gần đây, các dịch vụ cho vay lãi cao còn dùng điện thoại, tin nhắn để dụ dỗ người dân. "Con mồi" chúng hướng tới thường là người dính vào cờ bạc hoặc nhẹ dạ, ngại lao động vất vả…

Thời gian qua, sau khi cơ quan chức năng tích cực truy quét, các đối tượng cho vay lãi nặng chuyển sang núp bóng doanh nghiệp hoặc hoạt động lén lút, không có cơ sở, địa điểm cụ thể. Ðáng chú ý, đang nổi lên loại hình cho vay qua internet với lãi suất rất cao. Các đối tượng lập các trang web hoặc ứng dụng vay tiền trực tuyến với thủ tục cho vay rất dễ, khiến nhiều người lựa chọn và các đối tượng cho vay lãi nặng cũng mặc sức tung hoành. Nếu không trả tiền đúng hẹn, chúng sẽ gọi điện thoại cho những người thân, bạn bè của người vay đe dọa, xúc phạm; đăng hình ảnh, thông tin cá nhân của người vay lên mạng xã hội để gây áp lực buộc người vay tiền phải trả nợ…

Nỗ lực hạn chế, ngăn chặn

Ðấu tranh với tội phạm liên quan "tín dụng đen", thành phố Cần Thơ tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về hợp đồng vay tài sản lãi suất trong các vụ việc dân sự; các văn bản về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các khoản vay có ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm và phát hiện, tiếp nhận, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" được nâng cao.

"Việc phát hiện, khởi tố các vụ án, bị can phạm tội liên quan đến "tín dụng đen" tương đối phức tạp, khó khăn trong áp dụng các quy định pháp luật để xử lý. Thực tế, người vay và người cho vay thường che giấu giao dịch, nhiều trường hợp người bị hại không dám trình báo, có tâm lý né tránh, không cung cấp tài liệu cũng như thông tin để cơ quan chức năng xử lý đối tượng phạm tội", Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ cho biết.

Thời gian qua, công an các địa phương ở An Giang liên tục triệt phá thành công nhiều nhóm cho vay lãi nặng. Trong năm 2022, tỉnh đã phát hiện 17 vụ với 19 đối tượng vi phạm liên quan đến "tín dụng đen", đã khởi tố hình sự 2 vụ, 3 bị can về hành vi cho vay lãi suất nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt vi phạm hành chính 10 vụ, 16 đối tượng với tổng số tiền phạt là 189 triệu đồng; cho hai đối tượng làm cam kết không tái phạm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen"; yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về hệ lụy của "tín dụng đen". Cùng với đó, đẩy mạnh việc bóc gỡ, xóa bỏ tờ rơi, bảng quảng cáo cho vay tài chính…

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang, để bảo vệ người lao động, các cấp công đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai nhiều hình thức ngăn chặn "tín dụng đen". Theo đó, phối hợp chính quyền, công an địa phương rà soát, lên danh sách các nhóm đối tượng liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" để có biện pháp bảo vệ đoàn viên công đoàn, người lao động; ngăn ngừa tội phạm manh động, không để thâm nhập vào công nhân lao động…

Quan trọng hơn, từng người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, kịp thời tố cáo khi phát hiện các nhóm, cá nhân có dấu hiệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng; thận trọng và tránh xa các hình thức cho vay lãi nặng, hiểu rõ chiêu trò gài bẫy của một số đối tượng cho vay lãi nặng để phòng ngừa. Khi bị đe dọa, khủng bố, cần đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng can thiệp để tránh hậu quả có thể xảy ra. Người cần vay tiền nên liên hệ chính quyền, các tổ chức, đoàn thể nơi mình cư trú nhờ sự giúp đỡ để tiếp cận với các nguồn vốn vay phù hợp…