Ngăn chặn hành vi buôn bán, sử dụng động vật quý hiếm

Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND về việc "Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00

Thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã. Bên cạnh đó, nâng cao tỷ lệ xử lý đối với các hành vi gây tác động xấu tới đa dạng sinh học, bảo đảm tính răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm về đa dạng sinh học phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật, thực vật hoang dã và sản phẩm từ động vật nguy cấp quý hiếm vẫn diễn ra trên địa bàn. Ðầu tháng 1/2023, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ hai đối tượng đang vận chuyển một cá thể hổ (đã chết, bị mổ bỏ nội tạng) nặng gần 200kg và hai cá thể rắn hổ mang chúa (ngâm trong bình) đi tiêu thụ. Cũng trong tháng 1, Phòng Cảnh sát môi trường đã bắt giữ một đối tượng ở quận Bắc Từ Liêm có hành vi tàng trữ các sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm nhiều sản phẩm trang sức được làm từ ngà voi và móng hổ… Thống kê hai năm 2021 và 2022, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, đấu tranh 123 vụ việc vi phạm liên quan quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm và động vật hoang dã; khởi tố 85 vụ án hình sự với 113 bị can về các tội danh liên quan hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm từ động vật nguy cấp quý hiếm.

Thực tế cho thấy, để tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức và quan tâm, có trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học. Các lực lượng chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm việc nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã không ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm cũng cần được nâng cao, các hành vi khai thác, đánh bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm cần được xử lý nghiêm.

Ðể tăng cường tính răn đe, các cấp, các ngành cần nghiên cứu, hoàn thiện các hệ thống chính sách, pháp luật về tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả và phù hợp các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Về lâu dài, cần thường xuyên truyền thông về bảo vệ đa dạng sinh học trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa thông điệp bảo vệ môi trường vào lồng ghép giáo dục trong các nhà trường để xây dựng nhận thức đúng đắn về vấn đề này ■