Ngăn chặn hành vi báo tin giả đến cơ quan chức năng

Thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương, một số người dân tự dựng nên những câu chuyện bị kẻ xấu phá hoại nhà cửa, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản rồi trình báo thông tin giả đến cơ quan chức năng. Tình trạng báo tin giả, thông tin sai sự thật gây bức xúc dư luận và khiến cơ quan chức năng mất thời gian, công sức để kiểm tra, xác minh thông tin.
0:00 / 0:00
0:00
Công an huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang làm việc với đối tượng có hành vi báo tin giả. Ảnh: Công an tỉnh Tiền Giang
Công an huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang làm việc với đối tượng có hành vi báo tin giả. Ảnh: Công an tỉnh Tiền Giang

Công an huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang làm việc với đối tượng có hành vi báo tin giả.

Đầu tháng 5/2024, Công an phường An Tảo (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) nhận được tin báo của anh Đ.V.B về việc anh trai của mình bị một nhóm nam thanh niên lạ mặt hành hung đến ngất đi. Khi tỉnh dậy, anh này phát hiện mất hàng chục triệu đồng mang theo người. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường để điều tra xác minh làm rõ sự việc. Sau đó không lâu, “nạn nhân” đã đến cơ quan công an trình báo đó chỉ là tin giả. Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hưng Yên đã củng cố hồ sơ và xử lý người có hành vi báo tin giả theo quy định của pháp luật.

Đêm 4/4/2024, đường dây nóng của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được cuộc gọi điện thoại của ông N.N.T (trú tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế) trình báo về việc nhà ông này bị đối tượng xấu nhỏ keo dán sắt vào ổ khóa cổng khiến cả nhà mắc kẹt bên trong không thể ra ngoài. Ngay lập tức, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Công an thành phố Huế đến hiện trường để giải quyết sự việc. Tuy nhiên, khi tổ công tác được cắt cử đến xác minh, tìm hiểu sự việc thì người thân của ông T cho biết không hề có sự việc nói trên, đồng thời cho biết thêm trước đó ông T có sử dụng bia rượu, cho nên đã trình báo tin giả đến cơ quan công an. Sau đó, Công an phường Thủy Xuân đã mời ông T đến trụ sở làm việc để xử lý về hành vi “báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Cách đây một tháng, Công an xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) nhận được tin báo có một vụ cướp tài sản xảy ra trên địa bàn. Theo nội dung trình báo, anh L.M.T (trú tại huyện Bình Chánh) bị hai đối tượng dùng khúc gỗ tấn công gây thương tích và cướp mất một số tiền lớn rồi tẩu thoát. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an nhanh chóng xác định đây là tin báo giả. Anh T sau đó khai nhận, số tiền nói trên thực chất là tiền người thân nhờ chuyển khoản, nhưng T đã sử dụng vào việc riêng. Sau đó, lo sợ bị phát hiện, T dàn cảnh mình bị cướp tài sản.

Trước đó, cuối tháng 12/2023, Công an huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp nhận được tin báo của ông Đoàn Văn Tám (trú xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh) bị cướp tài sản bởi một nhóm thanh niên đi trên hai xe mô-tô tại đoạn đường lộ mới, thuộc Ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình. Qua làm việc, Công an huyện Thanh Bình phát hiện trong lời khai của người báo tin có nhiều điểm nghi vấn, bất thường. Qua đấu tranh bằng các biện pháp nghiệp vụ, ông Tám thừa nhận hành vi đá gà ăn tiền và bị thua mất 34 triệu đồng, cho nên nảy sinh ý định ngụy tạo hiện trường bị cướp tài sản, nhằm mục đích lừa dối gia đình và cơ quan Công an. Sau đó, Công an huyện Thanh Bình đã ra quyết định xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng đối với ông Tám về hành vi “báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Trên đây là một số trong rất nhiều vụ việc báo tin giả đến cơ quan chức năng xảy ra tại các địa phương trong thời gian qua. Theo quy trình công tác, khi tiếp nhận tin báo liên quan đến an ninh trật tự tại địa bàn, lực lượng công an sẽ triển khai các biện pháp nghiệp vụ để điều tra. Việc này không chỉ để nắm bắt, khám phá nhanh vụ việc nhằm ổn định an ninh trật tự trên địa bàn mà còn tránh gây hoang mang dư luận, tránh những thông tin trái chiều. Vì vậy, khi người dân báo tin giả không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương mà lực lượng chức năng cũng mất rất nhiều thời gian, công sức để điều tra, làm rõ sự việc. Mặc dù nhiều trường hợp báo tin giả đã bị xử lý, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn, thậm chí không ít người vẫn không nhận thức được hành vi đó là vi phạm pháp luật. Trong khi đó, đối với các vụ báo tin giả, trình báo sai sự thật, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an sẽ dễ dàng, nhanh chóng phát hiện.

Theo Đội Cảnh sát 113, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Thừa Thiên Huế), từ đầu năm 2024 đến nay, trực ban của đơn vị này tiếp nhận nhiều cuộc điện thoại của người dân trình báo các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn. Điều đáng nói, trong số đó có nhiều cuộc gọi với nội dung trêu đùa, báo tin giả, tin không đúng sự thật. Ngoài ra, đường dây nóng 114 và 115 của tỉnh Thừa Thiên Huế hoạt động 24/24 giờ trong ngày để tiếp nhận cuộc gọi của người dân yêu cầu cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu khi xảy ra tai nạn, cháy nổ, đuối nước. Dù là đường dây dành cho những tình huống khẩn cấp, nhưng vẫn bị nhiều người vô ý thức gọi đến bỡn cợt, trêu chọc, thậm chí là báo tình huống khẩn cấp giả.

Theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội..., người báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Nếu báo tin giả mà bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Ngoài ra, theo Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, người báo tin giả về tội phạm mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị tố giác, báo tin giả thì có thể phải bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu. Việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hoàng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), việc báo tin giả, cung cấp thông tin sai sự thật sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng; gây bức xúc tâm lý cho người thi hành công vụ. Theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội..., người báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Nếu báo tin giả mà bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Ngoài ra, theo Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, người báo tin giả về tội phạm mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị tố giác, báo tin giả thì có thể phải bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu. Việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, mỗi người cần kiểm chứng tính xác thực của các thông tin trước khi chia sẻ để tránh những vi phạm pháp luật không đáng có, Luật sư Nguyễn Ngọc Hoàng nhấn mạnh.

Đại úy Phạm Khánh Hòa (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an) cho biết, hiện nay, các thông tin luôn được lan truyền chóng mặt trên các nền tảng internet, mạng xã hội. Các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự tại các địa phương luôn được rất nhiều người dân quan tâm. Nhiều người chỉ mới nghe thông tin đã đăng tải lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và khiến hoạt động điều tra, xác minh của cơ quan gặp khó khăn. Vì thế, hành vi báo tin giả, tin không đúng sự thật sẽ để lại những tác hại, hệ lụy khôn lường. Người dân tuyệt đối không thực hiện các hành vi báo tin, tố giác không đúng sự thật để tránh gây hệ lụy cho xã hội, gây thiệt hại cho người khác và có thể bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.