Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố, tình hình đường cát Thái-lan, Cam-pu-chia nhập lậu từ các tỉnh biên giới Tây Nam được vận chuyển về thành phố tiêu thụ diễn biến rất phức tạp. Thời gian qua, nhờ tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, xử lý vi phạm nên lực lượng chức năng ngăn chặn hàng loạt vụ vận chuyển đường cát nhập lậu. Đơn cử, ngày 15-6, Chi cục QLTT thành phố phối hợp Tổ công tác của Cục QLTT thực hiện Quyết định số 334 của Bộ Công thương tổ chức kiểm tra 10 điểm kinh doanh mặt hàng đường cát tại khu vực quận 5, quận 6 và quận Bình Tân. Sau một ngày, lực lượng kiểm tra đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh buôn bán đường cát nhập lậu, hết hạn sử dụng, thiếu nhãn mác, nhãn mác trên bao bì ghi không đúng nội dung và số lượng đã bị lập biên bản tạm giữ rất lớn.
Tại quận Bình Tân, Đội QLTT 3A và Tổ công tác đã kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Du lịch Thương mại Thành Thành Phát, phát hiện đơn vị này kinh doanh đường cát không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội QLTT 3A lập biên bản tạm giữ 3.708 kg đường cát vàng đựng trong bao giấy dầu (12 kg/bao); 2.000 kg đường cát trắng, chứa trong bao loại 50 kg/bao. Tại cơ sở kinh doanh số 224 Võ Văn Kiệt, Đội QLTT 3A cũng đã lập biên bản tạm giữ 5.000 kg đường cát vàng, trên bao bì ghi nhãn Công ty CP Mía đường Sóc Trăng. Thế nhưng sản phẩm này đã hết hạn sử dụng từ tháng 4-2018 và 3.600 kg đường cát trắng, nhãn hiệu ghi cơ sở Ngọc Bích không có hóa đơn chứng từ. Kết quả kiểm tra 10 điểm kinh doanh mặt hàng đường cát tại thành phố ngày 15-6, Chi cục QLTT đã lập biên bản tạm giữ hơn 125 tấn đường cát các loại. Các cơ sở bị tạm giữ hàng hóa để chờ xử lý do các vi phạm phổ biến là: sản phẩm không có nhãn hàng hóa, hàng hóa không ghi đầy đủ nội dung, hàng hết hạn sử dụng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc.
Theo đánh giá của các cơ quan chống buôn lậu khu vực miền nam, đường cát nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu từ khu vực biên giới Việt Nam - Lào, nhất là khu vực cửa khẩu Lao Bảo; biên giới Tây Nam, nổi cộm là khu vực các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Tây Ninh. Đối tượng buôn lậu đường cát thường đối phó lực lượng chức năng bằng cách vận chuyển số lượng lớn đường cát trong các xe tải đến TP Hồ Chí Minh vào đêm khuya. Xe chạy vào các bãi xe ở các quận, huyện vùng ven, sau đó chuyển hàng xuống các xe tải nhỏ và chở đi giao ngay trong đêm. Các đối tượng còn “hợp thức hóa” đường nhập lậu bằng việc tháo bao bì nhãn gốc của hàng hóa, sau đó bỏ vào các bao bì giấy hoặc các bao bì có nhãn của những công ty sản xuất đường trong nước.
Đại diện Chi cục QLTT thành phố cho biết: Từ đầu năm đến nay, hàng nhập lậu bị thu giữ với số lượng, đơn vị lớn là hai mặt hàng thuốc lá và đường cát. Kiểm tra lĩnh vực thực phẩm trong sáu tháng đầu năm 2018, lực lượng QLTT đã xử lý 62.423 kg đường cát, thực phẩm chế biến không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 10.776 kg đường cát, trái cây không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc. Một cán bộ Chi cục QLTT thành phố thông tin, các đầu mối kinh doanh đường cát ở khu vực quận 5, quận 6, quận Bình Tân thường thu gom đường cát từ các nguồn buôn lậu, sau đó cung cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm làm nguyên liệu, một phần được chia nhỏ, dùng bao gói nhái nhãn mác của các cơ sở sản xuất đường trong nước để cung cấp cho các điểm bán lẻ. “Đường cát sau khi bị tháo bỏ bao bì gốc thì không thể biết được nguồn gốc xuất xứ, cho nên rất khó xử lý” - vị này nói.
Để ngăn chặn tình trạng vận chuyển đường nhập lậu về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi buôn lậu, chứa trữ và vận chuyển mặt hàng đường cát ở khu vực cảng biển, cửa sông, bến bãi, tàu thuyền; kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập mặt hàng đường cát; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, buôn bán đường cát nhập lậu, lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu; triệt phá các đường dây, tụ điểm vận chuyển, buôn bán mặt hàng đường cát nhập lậu...
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện cần kịp thời phát hiện các hành vi vận chuyển, chứa trữ, kinh doanh mặt hàng đường cát nhập lậu trên địa bàn. Địa bàn nào để xảy ra điểm nóng về buôn lậu gây bức xúc trong dư luận thì chính quyền địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm.