Ngăn chặn các hình thức tội phạm mới

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm.
0:00 / 0:00
0:00

Từ tháng 10/2022 đến 10/2023, tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%. Các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội đều được khẩn trương điều tra làm rõ.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công an, tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng. Từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023, toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội về trật tự xã hội (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước), làm 1.200 người chết (tăng 12,89%), 9.436 người bị thương (tăng 4,76%), thiệt hại tài sản khoảng 13.252 tỷ đồng...

Đáng nói, các loại tội phạm nguy hiểm như: giết người, cướp tài sản, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm xâm hại trẻ em; tội phạm cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, gây rối trật tự công cộng; tội phạm ma túy... vẫn có dấu hiệu tăng. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.

Nguy hiểm hơn, khi tỷ lệ tội phạm gia tăng, nhiều loại hình tội phạm mới cũng phát sinh như: lừa đảo trên môi trường mạng, buôn bán ma túy đe dọa đến an ninh trường học, bắt cóc trẻ em, mua bán người... Điều này gây tâm lý bất an cho người dân, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình trật tự an toàn xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, cả khách quan và chủ quan. Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhận định, những khó khăn về kinh tế-xã hội đã làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, một phần nguyên nhân từ phía các cơ quan chức năng trong triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; các vi phạm trong điều tra, xử lý tội phạm; sự phối hợp giữa các cơ quan; tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, cá biệt có những trường hợp sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Mặt khác, là những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế, chính sách và nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Chưa kể, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã khiến các đối tượng xấu có thêm nhiều thủ đoạn và hình thức phạm tội mới, tinh vi, manh động hơn. Trong đó, có vấn đề khắc phục được nhanh chóng nhưng cũng có không ít vấn đề cần phải có thời gian.

Trước thực trạng này, việc nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, đặc biệt là ngăn chặn, đối phó với các hình thức tội phạm mới cần được nghiên cứu một cách căn cơ để tìm nguyên nhân, điều kiện dẫn đến các hành vi phạm tội, từ đó có các giải pháp phù hợp, mạnh mẽ, quyết liệt. Trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 21/11 vừa qua, một trong các giải pháp được Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra là tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác phòng chống tội phạm.

Ứng dụng chuyển đổi số để đối phó với các hình thức tội phạm mới là một giải pháp mang tính căn cơ, khoa học bởi sự phát triển của công nghệ thông tin nói chung và môi trường mạng nói riêng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức. Trong số các hình thức tội phạm mới, tội phạm trên không gian mạng diễn biến hết sức phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, khó lường. Các đối tượng xấu đã và đang triệt để lợi dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại rất lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Song song với ứng dụng công nghệ số, cũng cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, tăng cường phổ biến để người dân hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao...