Tập trung đấu tranh trấn áp các loại tội phạm nguy hiểm

Ngày 14-7, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138) với Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, nhằm đánh giá kết quả công tác sáu tháng đầu năm 2015 và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp sáu tháng cuối năm.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138; Đại trướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 138 đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và đại diện lãnh đạo các địa phương.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138, sáu tháng đầu năm, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã có bước chuyển biến rõ rệt, tội phạm hình sự giảm hơn 3%, một số loại tội phạm nghiêm trọng như cướp của, giết người, tội phạm kinh tế giảm mạnh. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tội phạm vẫn còn một số hạn chế, trong đó có một số loại tội phạm có chiều hướng tăng về tính chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, trong đó tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí "nóng"; tội phạm giết người, cướp giật; tội phạm tham nhũng, kinh tế với mục tiêu giảm tội phạm tại 18 địa bàn trọng điểm.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tội phạm thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh, tình hình an ninh trật tự dù có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị, trong đó đề cao vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm, nhất là khu vực nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương và người đứng đầu trong công tác chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa đấu tranh trấn áp các loại tội phạm. Huy động mọi nguồn lực xã hội vào công tác phòng, chống tội phạm. Cấp uỷ, chính quyền từ T.Ư đến địa phương cần xác định công tác phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian tới, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.